Hội thảo về Khoa học Tính toán, diễn ra từ 14/7 – 22/7 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM dưới sự chủ trì của Khoa Toán – Tin học, với sự tham dự của các nhà khoa học đến từ Việt Nam, Áo, Phần Lan và Hoa Kỳ.
Đây là hoạt động học thuật có ý nghĩa thiết thực, góp phần thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, cập nhật các phương pháp tính toán hiện đại, đồng thời mở rộng mạng lưới kết nối chuyên môn giữa giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên.

Không gian trao đổi học thuật quốc tế đa chiều
Diễn giả tại hội thảo là các chuyên gia quốc tế đến từ những trường đại học và cơ sở nghiên cứu uy tín gồm: GS.TS. Alexander Ostermann (ĐH Innsbruck, Áo), GS.TS. Bùi Thanh Tân (ĐH Texas tại Austin, Hoa Kỳ), TS. Đặng Thị Tâm (ĐH Helsinki, Phần Lan), cùng các giảng viên của Khoa Toán – Tin học.
Trong ba phiên giảng chuyên sâu diễn ra từ 14 đến 16/7, GS.TS. Alexander Ostermann đã trình bày chuỗi bài giảng về Exponential Integrators – một phương pháp tích phân hiện đại, đặc biệt hiệu quả trong việc giải các bài toán vi phân cứng. Nội dung bài giảng tập trung vào cơ sở lý thuyết, các kỹ thuật xây dựng lược đồ tích phân có độ chính xác cao, cũng như các ứng dụng thực tế trong tính toán khoa học, giúp người học tiếp cận trực tiếp các kỹ thuật tiên tiến trong lĩnh vực này.

Seminar chuyên đề – Bắt nhịp với hướng nghiên cứu mới
Bên cạnh các bài giảng chuyên sâu, hội thảo còn có chuỗi seminar chuyên đề nhằm cập nhật xu hướng nghiên cứu hiện nay, đồng thời tạo điều kiện trao đổi học thuật giữa những người tham dự với các nhà khoa học theo nhiều hướng tiếp cận khác nhau:
– TS. Đặng Thị Tâm (ĐH Helsinki, Phần Lan) trình bày báo cáo “An initial-boundary corrected splitting method for diffusion-reaction problems”, đề xuất một phương pháp tách mới giúp khắc phục hiện tượng suy giảm bậc hội tụ thường gặp trong các phương pháp splitting cổ điển dưới điều kiện biên Dirichlet. Phương pháp này không yêu cầu tính toán các điều kiện hiệu chỉnh phụ thuộc biên, nhưng vẫn đảm bảo độ chính xác và hiệu quả tính toán cao hơn.

– TS. Nguyễn Đăng Khoa, Bộ môn Giải tích (Khoa Toán – Tin học, HCMUS) với bài báo cáo “Fast numerical methods for monotone operator in continuous and discrete times”, nghiên cứu các hệ động lực học cấp hai trong không gian Hilbert nhằm giải bài toán tìm điểm triệt tiêu của toán tử đơn điệu. Từ đó, phát triển các thuật toán rời rạc có tốc độ hội tụ nhanh, kế thừa tính chất từ hệ liên tục, đồng thời bổ sung hiệu chỉnh Tikhonov để đạt hội tụ mạnh tới nghiệm chuẩn tối tiểu.

– TS. Nguyễn Thị Hoài Thương, Bộ môn Giải tích (Khoa Toán – Tin học, HCMUS) cùng bài báo cáo “A stiffly stable semi-discrete scheme for the damped wave equation using SBP and SAT techniques”, tập trung vào bài toán rời rạc hóa phương trình sóng suy giảm trong miền nửa phẳng. Báo cáo đề xuất hai cách xử lý điều kiện biên Dirichlet bằng kỹ thuật Summation-by-Parts (SBP) và Simultaneous Approximation Term (SAT), đồng thời phân tích sự tương thích của chúng với điều kiện Kreiss cứng (Stiff Kreiss Condition) nhằm đảm bảo tính ổn định biên toàn cục.
– GS.TS. Bùi Thanh Tân (ĐH Texas tại Austin, Hoa Kỳ) trình bày báo cáo về “Learn2Solve: A Deep Learning Framework for Real-Time Solutions of Forward, Inverse, and UQ Problems”, giới thiệu nền tảng Deep Learning khoa học (Scientific Deep Learning) có khả năng giải bài toán tiến, nghịch và bất định lượng (Uncertainty Quantification) theo thời gian thực. Hệ thống được thử nghiệm trên các mô hình vật lý từ cơ bản đến phức tạp như phương trình truyền tải, nhiệt, Burgers, Euler (siêu âm và cận âm), và Navier-Stokes.

Phát triển chuyên môn – Định hướng nghiên cứu bền vững
Hội thảo là dịp để các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiếp cận các xu hướng nghiên cứu mới và phương pháp hiện đại, đồng thời kết nối với các nhà khoa học trong và ngoài nước. Thông qua đó, người học có thể định hướng rõ hơn cho các đề tài nghiên cứu cá nhân, cũng như tìm hiểu thêm về các chương trình đào tạo, học bổng và cơ hội hợp tác khoa học tại các trường đại học quốc tế.
Hoạt động này nằm trong chiến lược của Khoa Toán – Tin học nói riêng và Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM nói chung, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt trong các lĩnh vực toán ứng dụng và khoa học tính toán – những lĩnh vực đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển khoa học liên ngành và chuyển đổi số.
Các đại biểu và diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.
PMN
Leave a Reply
You must be logged in để gửi bình luận.