Ngày 8/7, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM (HCMUS) đã tổ chức hoạt động học thuật đầu tiên trong khuôn khổ AUN Summer Camp 2025 tại Việt Nam – chương trình do Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) đăng cai tổ chức từ ngày 6 đến ngày 19/7/2025, với sự tham gia của hơn 80 sinh viên đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Trước đó, vào ngày 7/7, các sinh viên AUN đã tham dự buổi định hướng chung tại Nhà Điều hành ĐHQG-HCM, kết hợp cùng các hoạt động giao lưu kết nối – tạo tiền đề ban đầu để làm quen với môi trường học tập đa văn hóa, hình thành cộng đồng sinh viên quốc tế sẵn sàng hợp tác học thuật và phát triển các sáng kiến liên ngành.

Chương trình tại Việt Nam là một phần trong AUN Summer Camp 2025 cấp khu vực – chuỗi hoạt động giao lưu học thuật quốc tế thường niên do Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) điều phối, diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9/2025 tại 11 đại học thành viên thuộc 7 quốc gia gồm Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thailand và Việt Nam.
Sau phần định hướng chung, các hoạt động chuyên môn chính thức được khởi động tại HCMUS – đơn vị tiên phong trong chuỗi chương trình tại Việt Nam.
PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng HCMUS phát biểu mở đầu hoạt động: “Đây không chỉ là cơ hội để các bạn học hỏi và kết bạn mới, mà còn là hành trình khám phá văn hóa, trải nghiệm ẩm thực và kết nối với cộng đồng địa phương. Chúng tôi tin rằng giới trẻ chính là lực lượng then chốt trong việc kiến tạo các giải pháp thực tiễn để ứng phó với biến đổi khí hậu – một trong những thách thức toàn cầu cấp bách nhất hiện nay.”

Với vai trò là đơn vị đầu tiên khởi động chuỗi hoạt động chuyên môn trong khuôn khổ AUN Summer Camp 2025 tại Việt Nam, HCMUS đã tổ chức hai chuyên đề học thuật mở đầu, mang tính liên ngành và phản ánh sâu sắc chủ đề xuyên suốt của chương trình: “Giải pháp phát triển bền vững và Sáng kiến giới trẻ về Biến đổi khí hậu”.
– Chuyên đề thứ nhất: “Tác động của khí hậu làm thay đổi nguồn nước” – do PGS.TS. Bùi Việt Hưng (Khoa Môi trường) trình bày, nhấn mạnh các giải pháp thích ứng dựa trên tư duy hệ sinh thái và nền tảng khoa học môi trường.

– Chuyên đề thứ hai: “Ứng dụng AI trong học tập và công việc” – do PGS.TS. Nguyễn Thanh Bình (Trưởng bộ môn Ứng dụng Tin học, Khoa Toán – Tin học) trình bày, giúp sinh viên mở rộng góc nhìn liên ngành và hiểu được vai trò của công nghệ trong phát triển bền vững và chuyển đổi số.

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, chương trình ngay lập tức triển khai các hoạt động kết nối nhóm nhằm chuẩn bị cho phần học thuật cuối chương trình.
Sau các phiên chuyên đề, sinh viên AUN – đến từ hơn 30 trường đại học thành viên AUN, thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, công nghệ thông tin, truyền thông, giáo dục, luật, logistics… – đã tham gia hoạt động kết nối nhóm và gặp gỡ giảng viên hướng dẫn từ ĐHQG-HCM. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để sinh viên hình thành các nhóm học tập đa quốc gia, xây dựng bài luận cá nhân, thiết kế poster và đề xuất sáng kiến – những sản phẩm học thuật sẽ được trình bày và đánh giá trong những ngày cuối chương trình.

Chia sẻ lý do tham gia, một sinh viên quốc tế đến từ Thái Lan cho biết tuy còn đôi chút bỡ ngỡ trong những ngày đầu đến TP.HCM, vẫn cảm thấy hào hứng khi được kết nối với sinh viên trong khu vực, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của quê hương và khám phá môi trường học tập tại Việt Nam.
Sinh viên AUN giới thiệu bản thân, làm quen trong ngày đầu hoạt động tại HCMUS.
Bùi Ngọc Thảo My (sinh viên ngành Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM) cho biết: “Các chủ đề về phát triển bền vững luôn là mảng mà em quan tâm – em mong rằng các hoạt động như thế này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.”
Nguyễn Khánh Dân, sinh viên năm nhất và là tình nguyện viên của ĐHQG-HCM, chia sẻ: “Em rất vui khi tham gia chương trình và tự hào khi trường mình được các bạn sinh viên quốc tế biết đến.”
Sinh viên AUN kết nhóm, trao đổi và bàn bạc tích cực trong không khí cởi mở, hào hứng tại HCMUS.
Sau HCMUS, đoàn sinh viên AUN sẽ tiếp tục các hoạt động học tập và trải nghiệm tại các trường thành viên khác của ĐHQG-HCM, bao gồm: Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế – Luật, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học An Giang.
Với sự tiếp nối của các đơn vị thành viên khác, hành trình AUN Summer Camp 2025 tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục lan tỏa những giá trị học thuật, văn hóa và sáng tạo trẻ đến cộng đồng sinh viên khu vực.
Sinh viên AUN được HCMUS trao tặng quà lưu niệm trong ngày đầu khởi động chuỗi hoạt động học thuật.
Thông tin tổng quan về AUN Summer Camp 2025
Tên chương trình | AUN Summer Camp 2025 |
---|---|
Cấp điều phối | Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) |
Thời gian diễn ra | Tháng 5 – Tháng 9/2025 |
Địa điểm khu vực | 11 đại học tại 7 quốc gia: Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, Việt Nam |
Điểm dừng tại Việt Nam | 6 – 19/7 tại KTX, ĐHQG-HCM |
Chủ đề tại Việt Nam | Giải pháp phát triển bền vững và Sáng kiến giới trẻ về Biến đổi khí hậu |
Tín chỉ học thuật | Tương đương 1 tín chỉ |
Đơn vị đăng cai | Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh |
Đơn vị khởi động học thuật | Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM |
Mục tiêu chương trình | Tăng cường giao lưu học thuật, phát triển năng lực công dân ASEAN, thúc đẩy sáng kiến vì phát triển bền vững |
PMN