Hội thảo Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch Công suất thấp và Ứng dụng

Hội thảo Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch Công suất thấp và Ứng dụng

Ngày 15/3/2018, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi hội thảo “Kỹ thuật Thiết kế Vi mạch Công suất thấp và Ứng dụng” trong khuôn khổ Dự án FIRST do TS. Lê Đức Hùng làm chủ nhiệm dự án. Tham dự hội thảo có GS. Koichiro Ishibashi (Trường ĐH Điện tử – Truyền thông, Tokyo, Nhật bản), PGS. TS. Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng phòng QHQT&QLDA), TS. Trần Văn Mẫn (Trưởng phòng Khoa học & Công nghệ), TS. Huỳnh Hữu Thuận (Trưởng Khoa ĐTVT), TS. Bùi Trọng Tú (Phó trưởng Khoa ĐTVT), PGS. TS. Hoàng Trang (Phó trưởng Khoa Điện – Điện tử, ĐHBK), đại diện Sở KHCN TP.HCM, đại diện các công ty vi mạch, các thầy cô, và các bạn sinh viên.

Tại hội thảo, GS. Koichiro Ishibashi (Trường ĐH Điện tử – Truyền thông, Nhật Bản), TS. Lê Đức Hùng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG-HCM), Ông Nguyễn Phúc Vinh (chuyên gia công ty Applied Micro Circuits Corporation), Ông Vũ Khái Hưng (chuyên gia công ty Microchip) đã lần lượt phát biểu về công nghệ SOTB 65nm, Energy Harvesting với linh kiện công suất thấp, quy trình kỹ thuật thiết kế vi mạch số công thấp và thiết kế chip ứng dụng SOTB 65nm, kỹ thuật thiết kế CPU đa lõi công suất thấp, ứng dụng CPU công suất thấp trong lĩnh vực Internet of Things (IoT).

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tặng quà cho GS. Koichiro Ishibashi và các chuyên gia

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ, trao đổi thông tin về kỹ thuật thiết kế vi mạch công suất thấp, ứng dụng vi mạch công suất thấp trong việc phát triển các sản phẩm Internet of Things (IoTs) và Cách mạng công nghiệp 4.0 phù hợp với điều kiện Việt Nam, thiết lập mạng lưới và xây dựng quan hệ hợp tác giữa nhóm thực hiện dự án với các đối tác trong nước trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đồng thời, hội thảo cũng là cơ hội để tạo mối liên kết giữa các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Hội thảo được tổ chức trên chủ trương tiết kiệm tối đa nhưng vẫn đảm bảo nội dung và tính kết nối lan tỏa.

 

Một số báo đưa tin:

Vi mạch công suất thấp: Công nghệ đột phá cho thành phố thông minh

Nghiên cứu thành công quy trình công nghệ thiết kế vi mạch số công suất thấp