Sáng tạo trẻ: ‘Chú chim’ cung cấp thông tin về môi trường

 
Chỉ trong vòng 24 giờ xây dựng ý tưởng, nhóm 4 sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (TP.HCM) đã thiết kế nên ứng dụng cung cấp thông tin về môi trường, biến đổi khí hậu một cách dễ hiểu, thu hút người dùng.
(Từ trái sang) Lê Phạm Ngọc Yến, Trần Thị Anh Thư, Nguyễn Thị Thanh Trúc và Nguyễn Minh Trí nhận giải đặc biệt từ cuộc thi UNESCO Hackathon 2018

ẢNH: N.T
Bird’s Eye View là ý tưởng được mô phỏng dưới biểu tượng của chú chim, bay qua các vùng miền cả nước, cung cấp các thông tin về môi trường của từng vùng, đoạt 1 trong 3 giải đặc biệt của cuộc thi UNESCO Hackathon 2018, do Chính phủ Malaysia, UNESCO và Fossasia tổ chức. Bird’s Eye View mới ở bản thử nghiệm, sau cuộc thi, nhóm mới cho ra bản hoàn thiện.
 
Hackathon là cuộc thi ý tưởng dành cho sinh viên công nghệ, trong vòng 24 giờ sinh viên phải làm 1 ứng dụng theo chủ đề của giám khảo đưa ra. Ý tưởng về ứng dụng Bird’s Eye View được Trần Thị Anh Thư, Nguyễn Minh Trí, Lê Phạm Ngọc Yến và Nguyễn Thị Thanh Trúc thiết kế.
“Em nghĩ những thông tin về biến đổi khí hậu rất nhiều, nhưng chưa thu hút được sự quan tâm của mọi người, có thể là do cách tiếp cận chưa hấp dẫn. Chính vì vậy, tụi em đưa ra ý tưởng số hóa các thông tin, làm thành những đoạn phim ngắn trình chiếu cho mọi người xem, nghe, chơi và học”, Lê Phạm Ngọc Yến, người phụ trách về sáng tạo ý tưởng, cho hay.
Thân thuộc là cảm giác chung mà những người làm ứng dụng muốn tạo cho người sử dụng. “Toàn bộ cảnh trí trong game đều lấy từ cảnh thật. Chẳng hạn như mình chọn địa danh Phan Thiết. Ngay lập tức cảnh biển, đồi cát… của vùng này hiện ra. Một chú chim sẽ bay qua từng vùng, âm thanh sẽ phát lên các số liệu về thiên nhiên, thời tiết, cảnh báo những thảm họa đang xảy ra… Hay khi chọn An Giang, cảnh mùa nước nổi, cảnh lũ lụt hiện ra, cùng các số liệu đi kèm sẽ khiến nhiều người ý thức hơn về sự thay đổi của môi trường xung quanh. Những đau thương, mất mát có thể xảy đến với mình, với những người mình quan tâm nếu không hành động ngay”, Trần Thị Anh Thư, nhóm trưởng chia sẻ.
 
Thư cho biết thêm, nhóm cũng muốn biến ứng dụng này trở thành quyển sách hướng dẫn thông tin về thời tiết, khí hậu của từng vùng. Số liệu và thông tin sẽ lấy từ World Bank, từ UNESCO, các tổ chức về môi trường… Đây sẽ là kênh tra cứu thông tin chính thống cho mọi người.
Đối tượng mà Bird’s Eye View hướng đến là học sinh, sinh viên. Nguyễn Thị Thanh Trúc, phụ trách thiết kế, chia sẻ: “Đây là nhóm người chiếm số đông trong xã hội. Họ cũng là nhóm dễ dàng tiếp nhận cái mới, thông tin mới. Khi được giáo dục nhận thức về môi trường, dễ dàng biến thành hành động. Họ có thể quan tâm đến vấn đề rác thải, sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường…; chỉ những hành động nhỏ trong khả năng, nhưng “góp gió thành bão” sẽ tạo nên hiệu quả không ngờ. Hơn nữa, khi thay đổi, họ có thể tác động ngược lại với nhóm ba mẹ, ông bà… các thành viên trong gia đình cùng làm theo. Đấy là lý do vì sao tụi mình chọn các giao diện đẹp, hình ảnh sinh động, đa dạng trong ứng dụng là vì muốn thu hút nhóm đối tượng này”.
Nhờ sự tiện ích trong cách thức thể hiện, ứng dụng Bird’s Eye View được trao 1 trong 3 giải đặc biệt của cuộc thi UNESCO Hackathon 2018.
 
Bà Eden Đặng, đại diện Fossasia (tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các nhà phát triển và các nhà hoạch định về công nghệ mã nguồn mở miễn phí), chia sẻ: “Tôi thích ý tưởng của Bird’s Eye View vì các bạn ấy tạo ra một app game cung cấp kiến thức về vấn nạn môi trường ở VN và đặc biệt là có tích hợp vào các vùng biển cụ thể ở các thành phố”.
Nhóm trưởng Trần Thị Anh Thư chia sẻ: “Sắp tới nhóm sẽ ứng dụng AI (trí thông minh nhân tạo) trong việc thu thập dữ liệu để đa dạng hóa thông tin cung cấp cho người sử dụng. Hơn nữa, việc ứng dụng AI sẽ giúp tiết kiệm nhiều thời gian, máy có thể tự thu thập, tự làm phim để trình chiếu… Đặc biệt là phần video trình chiếu, ngày nay mọi người lười đọc, em nghĩ thông qua các đoạn phim ngắn mọi người sẽ dành nhiều thời gian để xem hơn, thông tin của mình sẽ tiếp cận nhiều người hơn”.
 
Nguồn: thanhnien.vn