Lễ khánh thành công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh”

Lễ khánh thành công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh”

Sáng ngày 29/09/209, Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM phối hợp tổ chức Lễ khánh thành công trình “Không gian truyền thống phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh” tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. PGS.TS Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG-HCM đã tới dự.

(Nguồn ảnh: vnuhcm.edu.vn)

Công trình do Hội Sinh viên Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM phối hợp thực hiện, khởi công vào ngày 08/01/2017 nhân kỷ niệm 67 năm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên Việt Nam (09/01/1950 – 09/01/2017). Đây là hoạt động thiết thực của Hội viên, sinh viên thành phố nhằm thể hiện tình cảm, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh. Đây là công trình thứ 2 trong chuỗi 6 công trình đặt tại 6 “địa chỉ đỏ” gắn liền với phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên những năm tháng chống Pháp và chống Mỹ.

Đ/c Huỳnh Tuấn Khương – Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM phát biểu tại buổi Lễ. 

Công trình tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đặt tại ngay khu vực là nơi diễn ra nhiều hoạt động của sinh viên Khoa học Đại Học Đường trong quá trình tranh đấu, cũng là nơi ghi dấu thành lập Chi bộ Sinh viên đầu tiên của Sài Gòn – Gia Định. Hình thành ý tưởng, vượt qua khó khăn về cơ sở vật chất và tiến tới lễ khánh thành ngày hôm nay là sự kết hợp của tâm huyết từ Đảng ủy – Ban Giám hiệu Nhà trường với Đoàn – Hội nhà trường, sự trân trọng góp sức của các thế hệ sinh viên phong trào, và sự đóng góp của Sinh viên trong và ngoài nhà trường. Điểm chung của Khoa học Đại học Đường – Đại học Khoa học – Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM là dòng chảy xuyên suốt trong phong trào sinh viên của nhà trường qua các giai đoạn, đó là lòng yêu nước, yêu hòa bình, khát vọng tri thức, sự nỗ lực và khẳng định bản thân để góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh. Cho dù đó là thời nào đi chăng nữa, phong trào hoạt động sinh viên của nhà trường cũng hòa vào dòng chảy yêu nước chung của dân tộc, ước mơ của thế hệ trước giải phóng là vì độc lập tự do của dân tộc để thế hệ sau có thể hiện thực hóa ước mơ của mình, học tập, nghiên cứu, ứng dụng khoa học để góp phần phát triển đất nước.

Hình ảnh đoàn rước và thắp đuốc tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG – HCM

Công trình này được thiết kế là một khối tượng với 3 cụm tượng thành phần chính.

Cụm trung tâm khắc họa rõ nét khí thế hào hùng của sinh viên xuống đường đấu tranh, được khởi nguồn bởi những buổi Hội thảo tại Giảng đường 1, Giảng đường 2 để tập hợp đông đảo lực lượng sinh viên, thanh niên. Biểu ngữ “Phản đối chiến tranh xâm lược – Hòa bình cho Việt Nam!” là lời đanh thép của những người trí thức trẻ về khát vọng hòa bình và ổn định để học tập và nghiên cứu. Hòa cùng ý chí của cả dân tộc, khát vọng đó vẫn còn ý nghĩa đối với cả thế hệ hiện nay. 

Cụm bên trái thể hiện hoạt động văn hóa văn nghệ để tập hợp đông đảo sinh viên cùng tham gia đấu tranh, nhiều đội – nhóm phong trào đã gắn liền nhiều thế hệ sinh viên khoa học như Lửa hồng, Bừng Sống, Hội Nữ sinh viên, Thế hệ mới, Đoàn Công tác xã hội, Đoàn Văn nghệ; chương trình Diễn đàn Khoa học, tập san Nghiên cứu khoa học… Từ đó, các nhân tố tích cực được thử thách rồi được kết nạp trở thành Hội viên, Đoàn viên, Đảng viên. Nơi đây cũng ghi dấu là nơi thành lập Chi bộ Sinh viên đầu tiên của phong trào học sinh – sinh viên Sài Gòn.

Cụm bên phải thể hiện hình ảnh các thế hệ sinh viên trường vẫn luôn miệt mài học tập, nghiên cứu khoa học, dù cho đó là giai đoạn đấu tranh hay hòa bình luôn đặt việc học tập, nghiên cứu khoa học lên hàng đầu để khẳng định bản thân, mang tri thức để phục vụ cho đất nước.

Một điểm đặc biệt của công trình chính là khoảng không ở giữa 3 cụm tượng được cách điệu thành hình ảnh 3 con người ngụ ý để có được điều kiện đấu tranh công khai trong sinh viên lúc bấy giờ thì luôn có sự âm thầm ủng hộ từ thầy cô, người lao động và sinh viên của nhà trường. Tất cả như một mái nhà che chở, giúp đỡ cho sinh viên lẫn trong đấu tranh và học tập.

Phía trên cùng của khối tượng là biểu tượng chim bồ câu với đôi cánh dang rộng thể hiện mong muốn hòa bình luôn ở trong tâm trí mỗi người. Một bên cánh chim là hình ảnh lá cờ Tổ quốc, một bên là biểu tượng khoa học tự nhiên khắc họa rõ nét tinh thần của các thế hệ giảng viên, sinh viên nhà trường luôn hướng về Tổ quốc và khát vọng làm giàu tri thức khoa học để vươn cao vươn xa hơn nữa.

Bức phù điêu công trình được làm bằng chất liệu composite phủ màu đồng có chiều cao 1.55 m, dài 3 m.

Công trình điêu khắc này sẽ là một biểu tượng, minh chứng hùng hồn về một thời tranh đấu của thầy cô, sinh viên, người lao động của nhà trường, vẫn còn có ý nghĩa đến thời điểm hiện tại như một lời nhắc nhở các thế hệ về một niềm tự hào về truyền thống của ngôi trường Anh hùng.

Hình ảnh đoàn rước và thắp đuốc tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG – HCM

Đây không chỉ là một trong những công trình mang tính giáo dục truyền thống cho các thế hệ học sinh, sinh viên thành phố hiện nay mà còn là nghĩa cử, một thông điệp tri ân đến các thế hệ anh hùng, học sinh, sinh viên đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất của Tổ quốc hôm nay; là một dấu ấn đậm chất truyền thống của tuổi trẻ Thành phố mang tên Bác.

Việc xây dựng và khánh thành công trình hướng đến kỷ niệm 70 năm phong trào học sinh, sinh viên Sài Gòn – Gia Định – TP. Hồ Chí Minh và kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng cộng sản Việt Nam.

Sau khi khánh thành, công trình sẽ hoạt động theo hướng mở, góp phần phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên; giới thiệu đến các đoàn đến thăm và làm việc về lịch sử dân tộc; tổ chức sinh hoạt truyền thống; tổ chức kết nạp Đảng – Đoàn – Hội; tổ chức gặp gỡ giữa các thế hệ cựu sinh viên, các cán bộ Đoàn – Hội.

Tin: Hội sinh viên VNUHCMUS