GẶP GỠ VÀ TRAO ĐỔI VỚI ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ POHANG, HÀN QUỐC

GẶP GỠ VÀ TRAO ĐỔI VỚI ĐẠI HỌC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ POHANG, HÀN QUỐC

Vào ngày 08/5, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã đón tiếp đoàn đại diện từ Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang, Hàn Quốc.

Đại diện đến từ Trường Đại học POSTECH bao gồm GS. Gyoo Yeol Jung, Hiệu trưởng & Trưởng khoa Sau đại học; GS. Park Sung Min, Phó Chủ tịch Ngoại vụ; Ông Junki Ahn, Giám đốc Quan hệ Quốc tế; và Bà Jinyoung Huh, Quản lý Quan hệ Quốc tế.

Đại diện từ Trường Đại học Khoa học tự nhiên bao gồm PGS.TS. Trần Minh Triết, Phó hiệu trưởng; PGS.TS. Ngô Đại Nghiệp, Trưởng phòng Phòng Quan hệ Đối ngoại; PGS.TS. Nguyễn Tuyết Phương, Trưởng khoa Khoa Khoa học liên ngành; PGS.TS. Nguyễn Văn Vũ, Phó khoa Khoa Công nghệ thông tin; PGS.TS. Trần Thiện Thanh, Phó khoa Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật; và TS. Nguyễn Phước Trung Hòa, Phó khoa Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang (POSTECH) là một trường đại học tư thục tập trung vào khoa học và kỹ thuật, nằm tại Pohang-si, Hàn Quốc. Mục tiêu của trường là đóng góp vào sự tiến bộ của Hàn Quốc và thế giới thông qua nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật. POSTECH hợp tác với các ngành công nghiệp, giới học thuật và tổ chức nghiên cứu để chuyển đổi kết quả nghiên cứu thành ứng dụng thực tế và trở thành trung tâm nghiên cứu vật liệu hàng đầu toàn cầu.

Cuộc gặp gỡ giữa Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Trường Đại học POSTECH nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững và phát triển trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu. Các nội dung chính được thảo luận bao gồm:

– Hợp tác trao đổi sinh viên, giảng viên và nghiên cứu sinh;

– Đồng hướng dẫn đào tạo sinh viên theo Đề án 89 dành cho sinh viên có trình độ cao;

– Đồng giám sát và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh để xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh mẽ giữa POSTECH và HCMUS;

– Cung cấp nguồn tài trợ từ các công ty, xí nghiệp, tập đoàn lớn như Tập đoàn POSCO, Samsung và từ chính phủ của cả hai nước;

– Hỗ trợ kinh phí cho các giáo sư, sinh viên, sinh viên cao học và nghiên cứu sinh của hai trường;

– Cung cấp các chương trình học bổng (như ngành Hóa học, ngành Vật lý – Vật lý kỹ thuật, …) với cơ sở hạ tầng và thiết bị phân tích tốt;

– Thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển về chất bán dẫn và kỹ thuật hạt nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực nhà máy điện;

– Tổ chức, đồng tổ chức các hội thảo, tọa đàm cũng như tham gia hội nghị, hội thảo khoa học (như Pin 2024) với tư cách diễn giả, khách mời;

– Các hoạt động hợp tác tiềm năng khác.