NCS. Trần Thanh Thắng bảo vệ luận án tiến sĩ cấp CSĐT: “Ảnh hưởng của stress hạn trong sự phát triển và tích lũy lipid của hột ở cây đậu phộng (Arachis hypogaea L.)”

Ngày 27.3, tại phòng F.102, Trường Đại học Khoa học tự nhiên – ĐHQG-HCM, nghiên cứu sinh (NCS) Trần Thanh Thắng đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp Cơ sở đào tạo chuyên ngành Sinh lý học thực vật với đề tài: “Ảnh hưởng của stress hạn trong sự phát triển và tích lũy lipid của hột ở cây đậu phộng (Arachis hypogaea L.)”. Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của PGS.TS. Bùi Trang Việt và PGS.TS. Trần Thanh Hương.

NCS. Trần Thanh Thắng trình bày đề tài bảo vệ trước Hội đồng chấm điểm tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Nội dung nghiên cứu

Cây đậu phộng (Arachis hypogaea L.) không chỉ có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp chế biến dầu mà còn góp phần lớn vào nền nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, khoảng 70% diện tích trồng đậu phộng hiện nay thuộc các vùng khô hạn và bán khô hạn, điều này làm giảm năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hướng đến mục tiêu cải thiện năng suất và chất lượng hột trong điều kiện bất lợi, luận án tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của stress hạn đến sự phát triển sinh trưởng của cây đậu phộng và sự tích lũy lipid trong hột. Đồng thời, luận án cũng ứng dụng phương pháp mồi hột nhằm tối ưu hóa khả năng chịu hạn của cây.

Hội đồng bảo vệ đặt câu hỏi và nhận xét về nội dung bài luận của NCS. Trần Thanh Thắng.

Kết quả nghiên cứu và ứng dụng

  • Stress hạn ảnh hưởng đến sự phát triển cây

Nghiên cứu chỉ ra rằng stress hạn làm giảm khả năng trao đổi cation ở rễ, giảm hàm lượng chlorophyll, quang hợp, và giảm năng suất thu hoạch. Tuy nhiên, cây đậu phộng trong điều kiện hạn lại có sự gia tăng hàm lượng lipid, protein và đường trong hột, mở ra triển vọng ứng dụng cho ngành công nghiệp chế biến dầu.

  • Xử lý hạn gián đoạn giúp tăng năng suất

Xử lý hạn gián đoạn từ ngày 80 đến thu hoạch giúp tăng hiệu quả sử dụng nước và trọng lượng hột, đồng thời cải thiện hàm lượng lipid trong hột so với đối chứng.

  • Mồi hột với SNP cải thiện sự nảy mầm và phát triển cây

Việc mồi hột với SNP 20 mg/L giúp tăng khả năng trao đổi cation ở rễ, giảm tỉ lệ rò rỉ chất điện giải ở lá, cải thiện quang hợp và hô hấp. Mặc dù hàm lượng lipid không thay đổi, nhưng tỷ lệ acid béo bão hòa và acid béo chuỗi vừa tăng lên.

  • Phun IAA kết hợp GA3 giúp tăng năng suất

Việc phun IAA 50 mg/L kết hợp với GA3 150 mg/L trước khi cây ra hoa giúp tăng số lượng hoa, trái, hột, trọng lượng hột và hàm lượng lipid trong hột.

  • Ứng dụng kết hợp

Việc kết hợp phương pháp mồi hột với SNP và phun IAA + GA3 đã giúp cây đậu phộng tăng khả năng chịu hạn và năng suất hột trong điều kiện stress hạn.

Hội đồng bảo vệ đánh giá nội dung, quá trình và đưa ra kết quả cuối cùng về bài luận của NCS. Trần Thanh Thắng.

Hướng nghiên cứu tiếp theo

Kết quả nghiên cứu từ luận án mở ra nhiều cơ hội ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong việc tăng cường khả năng chịu hạn và nâng cao năng suất cây đậu phộng. Việc tiếp tục khảo sát cơ chế tác động của SNP trong mồi hột ở mức tế bào và phân tử sẽ là bước tiếp theo quan trọng để tối ưu hóa phương pháp này. Bên cạnh đó, việc áp dụng phương pháp xử lý hạn gián đoạn và mồi hột trong thực tiễn có thể trở thành giải pháp quan trọng nhằm cải thiện năng suất và chất lượng hột đậu phộng trong điều kiện khí hậu khô hạn.

Chúc mừng NCS. Trần Thanh Thắng đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ cấp CSĐT sau quá trình nghiên cứu nghiêm túc, cùng sự hỗ trợ tận tình từ các thầy cô hướng dẫn và các thành viên trong Hội đồng bảo vệ.

ℙ𝕄ℕ