NCS. Nguyễn Thị Thu Trang bảo vệ luận án tiến sĩ cấp CSĐT: “Nghiên cứu hoạt tính sinh học của các loài nấm thuộc họ Ganodermataceae tại Việt Nam”

NCS. Nguyễn Thị Thu Trang (ngành Vi sinh vật học) tập trung khảo sát tiềm năng sinh học của các loài nấm thuộc họ Ganodermataceae phân lập tại khu vực Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là khả năng kháng khuẩn và chống oxy hóa – hai lĩnh vực có ý nghĩa thiết thực trong y dược học hiện đại. Luận án đã ghi nhận một số loài và chi nấm lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, đồng thời phân lập thành công các hợp chất có hoạt tính sinh học cao, góp phần mở rộng cơ sở dữ liệu di truyền quốc gia. Bên cạnh việc làm rõ đặc điểm phân loại học, công trình còn nghiên cứu cơ chế tác động phân tử của các hợp chất được phân lập, qua đó mở ra triển vọng ứng dụng trong phát triển dược phẩm sinh học và chế phẩm bảo vệ thực vật có nguồn gốc tự nhiên.

Toàn cảnh buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở của NCS. Nguyễn Thị Thu Trang tại phòng F.102, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Ngày 8.4, nghiên cứu sinh (NCS) Nguyễn Thị Thu Trang, ngành Vi sinh vật học, khóa 2019, đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM với đề tài: “Nghiên cứu hoạt tính kháng Staphylococcus aureus, kháng oxy hóa của một số loài nấm thuộc họ Ganodermataceae thu nhận tại Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh”.

Luận án được thực hiện dưới sự hướng dẫn khoa học của GS.TS. Trần Linh Thước và TS. Trần Mạnh Hùng, tập trung vào việc khai thác giá trị sinh học của các loài nấm bản địa, từ đó mở ra các hướng ứng dụng tiềm năng trong y sinh học và bảo vệ thực vật.

Kết quả chính của luận án

NCS. Nguyễn Thị Thu Trang trình bày nội dung luận án trước Hội đồng.
  • Phân loại và định danh học: Nghiên cứu sinh đã thu nhận được 17 chủng nấm thuộc 16 loài trong họ Ganodermataceae, trong đó có sáu loài và hai chi (ForaminisporaSanguinoderma) được ghi nhận lần đầu tiên tại Việt Nam. Đặc biệt, loài Ganoderma multipileum được xác định là tác nhân gây chết cây phượng (Delonix regia) tại TP. Hồ Chí Minh – ghi nhận đầu tiên trên thế giới liên quan đến loài nấm này trong bối cảnh bệnh học thực vật. Toàn bộ 17 trình tự ITS thu nhận từ các mẫu nấm đã được công bố trên ngân hàng gen quốc tế GenBank.
  • Phân lập hợp chất kháng khuẩn: Luận án đã phân lập được sáu hợp chất từ quả thể Ganoderma multiplicatum, trong đó ergosterol và ergosterol peroxide thể hiện hoạt tính ức chế mạnh đối với vi khuẩn Staphylococcus aureus. Các hoạt tính này được xác nhận thông qua phân tích in vitro kết hợp mô phỏng in silico trên protein đích, làm rõ tiềm năng phát triển kháng sinh tự nhiên từ các loài nấm dược liệu bản địa.
  • Phân tích polysaccharide và hoạt tính chống oxy hóa: Từ thể sợi của loài Amauroderma subresinosum, nghiên cứu sinh đã phân lập ba phân đoạn polysaccharide. Trong đó, phân đoạn ASF-3, giàu β-glucan, cho thấy hoạt tính chống oxy hóa cao. Cấu trúc của phân đoạn này được xác định bằng phổ cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) và sắc ký gel thấm (GPC), làm cơ sở định hướng ứng dụng trong y sinh học.

Những điểm mới và giá trị ứng dụng

Các thành viên Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp cơ sở, dưới sự chủ trì của PGS.TS. Trần Cát Đông (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) trong vai trò Chủ tịch Hội đồng, lắng nghe NCS. Nguyễn Thị Thu Trang trình bày kết quả nghiên cứu luận án.

Luận án đóng góp nhiều phát hiện mới cho lĩnh vực vi sinh vật học và sinh học phân tử, đặc biệt trong nghiên cứu các loài nấm thuộc họ Ganodermataceae tại Việt Nam. Việc ghi nhận các loài và chi nấm mới mở rộng kho dữ liệu di truyền quốc gia, đồng thời cung cấp bằng chứng khoa học quan trọng về vai trò sinh học và tiềm năng ứng dụng của các hợp chất từ nấm.

Các hợp chất được phân lập cho thấy hoạt tính sinh học rõ rệt – từ kháng khuẩn đến chống oxy hóa – có triển vọng ứng dụng trong phát triển dược phẩm sinh học, hỗ trợ sức khỏe cộng đồng, cũng như tạo nền tảng cho nghiên cứu thuốc kháng sinh có nguồn gốc tự nhiên. Ngoài ra, ghi nhận khả năng gây bệnh thực vật của một số loài nấm còn góp phần vào công tác chẩn đoán và kiểm soát bệnh học thực vật trong môi trường đô thị.

Đánh giá của Hội đồng khoa học

PGS.TS. Lê Thị Thủy Tiên, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM – Phản biện 3 của Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, nhận xét tại buổi bảo vệ.

PGS.TS. Lê Thị Thủy Tiên, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG-HCM – Phản biện 3 của Hội đồng, nhận xét:

“Luận án của NCS Nguyễn Thị Thu Trang được triển khai bài bản, kết hợp hợp lý giữa phân tích hình thái, sinh học phân tử và hóa sinh. Những kết quả thu được là mới, có giá trị học thuật và tiềm năng ứng dụng rõ ràng. Tuy nhiên, một số hợp chất cô lập cần được đánh giá thêm về cơ chế tác động và độc tính để định hướng nghiên cứu ứng dụng lâu dài.”

Chia sẻ của Nghiên cứu sinh

Tại buổi bảo vệ, Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Trang bày tỏ:

“Xin trân trọng cảm ơn GS.TS. Trần Linh Thước và TS. Trần Mạnh Hùng đã tận tình hướng dẫn, đồng hành và đóng góp chuyên môn trong suốt quá trình thực hiện luận án. Tôi cũng chân thành cảm ơn Hội đồng chấm luận án đã dành thời gian, tâm huyết để góp ý, chỉ ra những hạn chế, đồng thời định hướng khoa học giúp tôi hoàn thiện công trình và phát triển các nghiên cứu chuyên sâu trong thời gian tới.”

Nghiên cứu sinh Nguyễn Thị Thu Trang (ngành Vi sinh vật học) phát biểu cảm ơn tại buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp cơ sở, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM.

PMN