Bốn năm trước, Lê Văn Tấn đến với Trường Đại học Khoa học tự nhiên bằng một “duyên muộn”. Nam sinh là thí sinh thi lại, vào đại học trễ một năm so với bạn bè cùng trang lứa. Tuy nhiên, chính sự lỡ nhịp ấy đã mở ra cánh cửa mới: Tấn đã trở thành sinh viên khóa đầu tiên của ngành Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học Khoa học tự nhiên – một ngành học mới mẻ, thách thức nhưng đầy tiềm năng. Bốn năm sau, Tấn tốt nghiệp sớm với điểm số xuất sắc, gìn giữ trong mình niềm tự hào về ngôi trường đã chắp cánh, cùng khát vọng quay về đóng góp cho nơi mình đã trưởng thành.
“Lỡ hẹn” một năm để đi đúng đường
Với Lê Văn Tấn, việc lựa chọn ngành học Trí tuệ nhân tạo của Trường Đại học khoa học tự nhiên là cơ duyên đầy lý thú. Năm đầu tiên thi đại học, Tấn trượt nguyện vọng mong muốn. Thay vì buông xuôi, nam sinh quyết định thi lại. Nhờ đó, “chậm một năm” trở thành món quà bất ngờ, bởi nếu đỗ từ năm trước, Tấn sẽ không có cơ hội chọn ngành Trí tuệ nhân tạo, bởi ngành học này mới được mở đúng năm cậu quay lại.

Từ khi còn học cấp ba, Văn Tấn đã yêu thích toán học, đặc biệt là những bài toán có tính ứng dụng. Những điều Tấn biết về trí tuệ nhân tạo khi ấy chỉ là vài thông tin rời rạc, có thể kể đến như chuyện AI thắng con người trong cờ vây, hay các gợi ý nội dung trên YouTube. Những điều đơn giản và có phần xa lạ đã khơi gợi sự tò mò trong chàng thanh niên trẻ. Khi nhận ra trí tuệ nhân tạo là điểm hội tụ giữa Toán học, lập trình và tư duy logic, Tấn biết mình đã tìm đúng “điểm rơi” để theo đuổi trên chặng hành trình đại học.
Vào giảng đường, Văn Tấn không đến từ trường chuyên, cũng không có nền tảng lập trình mạnh mẽ. Thứ duy nhất cậu mang theo là tinh thần học hỏi. Môn đầu tiên trong bốn năm học là “Nhập môn lập trình” do thầy Phạm Nguyễn Sơn Tùng giảng dạy, vừa là thử thách, vừa là bàn đạp. “Thầy không chỉ dạy về kỹ thuật, mà còn chia sẻ những bài học định hướng nghề nghiệp, cách tư duy cho sinh viên. Với tôi, đó là thứ rất quý giá, đặc biệt là khi bản thân vẫn còn là một sinh viên năm nhất”, Tấn nhớ lại.
Là sinh viên khóa đầu tiên của ngành, Tấn không có tiền lệ để noi theo. Thay vào đó, chương trình đào tạo đã được xây dựng kỹ lưỡng: từ nền tảng toán học vững chắc đến các chuyên ngành như Machine Learning, Deep Learning, NLP, Thị giác máy tính… Những mảnh ghép kiến thức ấy, ban đầu có thể rời rạc, nhưng dần kết nối trong các môn học sau. Đặc biệt là trong khóa luận tốt nghiệp, dưới sự hướng dẫn sát sao của hai thầy Nguyễn Tiến Huy và Lê Thanh Tùng, Tấn càng học hỏi được thêm nhiều điều thú vị, khám phá điều hay trong chính ngành học mà mình theo đuổi.
Tốt nghiệp sớm không phải về đích, mà để bắt đầu
Với thành tích tốt nghiệp GPA 9.1, Lê Văn Tấn đã trở thành tân cử nhân tốt nghiệp sớm với tấm bằng Xuất sắc, được nhận bằng khen của Giám đốc ĐHQG-HCM về thành tích tốt nghiệp. Điều khiến Tấn tự hào không phải nằm ở con số, mà ngay trong hành trình gắn bó với mái trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên để đạt được thành tích ấy. Ngay từ năm nhất, Tấn đã xác định sẽ học vượt tiến độ. Đó là một quyết định khó vì đồng nghĩa với việc phải học nhiều môn hơn mỗi học kỳ, đối mặt với áp lực lớn hơn, và hy sinh nhiều thời gian hơn.
Nam sinh đã tự xây dựng cho mình một chiến lược với các bước lên kế hoạch dài hạn, tìm hiểu kỹ chương trình học, ưu tiên các môn học theo lộ trình hợp lý. Mỗi môn học đều được Tấn tiếp cận với tâm thế “chỉ học một lần”, nghĩa là học thật kỹ, thật sâu. Khi gặp khó, Tấn chọn cách nghiền ngẫm, tra cứu thêm tài liệu, thảo luận với bạn bè hoặc hỏi thầy cô. “Có những hôm mình dành cả buổi chỉ để hiểu một khái niệm”, Tấn chia sẻ.

Tuy nhiên, học vượt không phải là thử thách duy nhất. Là sinh viên tỉnh lẻ, lần đầu xa nhà, việc tự lập cũng khiến Tấn bỡ ngỡ. Từ sinh hoạt, chi tiêu đến sắp xếp cuộc sống… mọi thứ đều mới mẻ. Trong những lúc khó khăn, nam sinh luôn nhận được sự động viên từ gia đình qua những cuộc gọi đều đặn của ba mẹ. Điều đó trở thành điểm tựa tinh thần quan trọng trong suốt những năm đầu xa nhà. May mắn khác của Tấn là có một nhóm bạn thân với bốn người cùng nhau học tập, cùng nhau “chiến đấu” qua các kỳ thi và deadline.

Bên cạnh việc học, Tấn còn chủ động tham gia các cuộc thi học thuật, dự án thực tế trên mạng và các nhóm cộng đồng AI. Những hoạt động đó giúp cậu không chỉ củng cố kiến thức mà còn va chạm với các vấn đề thực tiễn, tạo dựng nền tảng quan trọng để cậu sớm có được công việc đúng ngành: kỹ sư AI tại OPSWAT Software Việt Nam. Không dừng lại ở đó, Tấn tiếp tục nuôi dưỡng dự định học tiếp cao học và đặc biệt, nam sinh muốn quay về trường trong vai trò khác, có thể là giảng viên, hoặc người kết nối nhà trường với doanh nghiệp. “Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã cho tôi rất nhiều đáng giá và nếu có cơ hội, tôi muốn góp một phần nhỏ để giúp thế hệ sau đi xa hơn”, Tấn bày tỏ.
Nếu phải chọn một câu nói để khép lại hành trình bốn năm đại học, Văn Tấn chọn một câu của Albert Einstein: “Ai cũng có thể biết, nhưng điều quan trọng là phải hiểu”. Triết lý đó đồng hành với Tấn từ những ngày đầu bước chân vào giảng đường cho đến hiện tại, như kim chỉ nam cho cách học, cách làm việc, và cách sống.
Chặng đường phía trước của ngành Trí tuệ nhân tạo tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên còn dài, những thành quả đầu tiên như lớp thế hệ sinh viên Lê Văn Tấn đã được ươm mầm bởi Trường Đại học Khoa học tự nhiên. Lớp lớp người lặng lẽ học tập, nỗ lực không ngừng, và gieo lại niềm tin vào một thế hệ kỹ sư AI bản lĩnh, nhân văn và đầy trách nhiệm.
Tiên phong đào tạo Trí tuệ nhân tạo khu vực phía Nam
Là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) tại khu vực phía Nam, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM chính thức triển khai chương trình đào tạo Cử nhân ngành AI từ năm 2021. Đây cũng là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam đào tạo chính quy ngành này ở cả bậc Đại học và Sau đại học, đánh dấu bước đi chiến lược trong việc đón đầu xu hướng công nghệ toàn cầu. Chương trình đào tạo được thiết kế bài bản, hiện đại, hướng đến việc trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức vững chắc và chuyên sâu về các lĩnh vực cốt lõi của AI như học máy (machine learning), thị giác máy tính (computer vision) và xử lý ngôn ngữ tự nhiên (natural language processing). Sinh viên được học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, đồng thời tiếp cận trực tiếp với những công nghệ tiên tiến thông qua hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại, với tổng mức đầu tư hơn 70 tỷ đồng. |
Leave a Reply
You must be logged in để gửi bình luận.