CHATGPT VÀ AI: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

CHATGPT VÀ AI: THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI TRONG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Ngày 19/02, Khoa Công nghệ Thông tin – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “ChatGPT và AI: Thách thức và cơ hội trong giáo dục đại học” với sự tham gia của nhiều chuyên gia giáo dục và trí tuệ nhân tạo:

– PGS. TS. Trần Minh Triết, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;

– PGS. TS. Đinh Điền, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;

– TS. Đinh Bá Tiến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;

– TS. Giáp Văn Dương, Chuyên gia độc lập;

– TS. Lâm Quang Vũ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;

– TS. Nguyễn Trường Sơn, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM;

– TS. Ma Nam, VNG.

Mở đầu chương trình, PGS.TS. Đinh Điền – Phó Trưởng Bộ môn Công nghệ Tri thức, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán đã có phần giới thiệu tổng quan về ChatGPT. Đánh giá của PGS-TS Đinh Điền về ảnh hưởng của ChatGPT trong giáo dục là rất lớn vì nó có khả năng tìm kiếm và tổng hợp thông tin rất nhanh và hiệu quả, cũng như giúp cho người sử dụng các công việc liên quan đến biên tập và biên soạn nội dung. Tuy nhiên, ChatGPT hiện còn có hạn chế về mặt ngữ liệu, không thể trả lời đúng với các ngữ liệu mang tính đặc thù của dân tộc hay văn hóa, lịch sử, văn bản liên quan đến chữ Nôm. Về khả năng phát triển của ChatGPT trong tương lai, PGS-TS Đinh Điền cho rằng nó sẽ kết nối thêm phần âm thanh và phần họa, giúp độ chính xác của trả lời cao hơn. Nó cũng sẽ biết thêm về ảnh biểu cảm của người nghe, giúp nó hiểu rõ hơn về tình trạng của người nghe.

Tại tọa đàm trao đổi và thảo luận chung, trước câu hỏi băn khoăn về tác động tiêu cực của ChatGPT với con người, TS. Giáp Văn Dương cho rằng ChatGPT có khả năng tác động đến giá trị, nhận thức, niềm tin thậm chí là ký ức của chúng ta. Trước bối cảnh ấy, với tư cách là sinh viên, người dùng để có thể sử dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng của ứng dụng và không sa vào tiêu cực chúng ta nên phát triển tư duy kiểm soát và tư duy sáng tạo của bản thân. TS Lâm Quang Vũ thông tin thêm ChatGPT hoàn toàn có thể hỗ trợ giáo viên trong soạn bài giảng, kiểm tra. Giáo viên đương nhiên là có sự chuẩn bị bài giảng nhưng ChatGPT để kiểm tra xem lĩnh vực có cập nhật gì không. Khi giáo viên cập nhật được kiến thức, vai trò của người học nếu có sử dụng ChatGPT thì hành vi sẽ phải thay đổi. Một trong những điểm yếu của ChatGPT là nó chưa cập nhật kiến thức ở thời điểm hiện tại. Nếu giáo viên ra đề về những vấn đề đang diễn ra, thời sự thì ChatGPT không hỗ trợ được.

Bên cạnh việc đánh giá những tác động mạnh mẽ của Chat GPT nói riêng và Trí tuệ nhân tạo nói chung đến nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là giáo dục và đào tạo, các chuyên gia cũng đề xuất những giải pháp thay đổi để thích ứng trong thời đại mới.

Với “sức nóng” của chủ đề, chương trình đã thu hút hơn 200 khán giả tham dự trực tiếp tại Giảng đường 1 và hơn 500 người xem trực tuyến qua nền tảng Zoom.