Trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu, GS.TS Nguyễn Trung Nhân (Trưởng Khoa Hóa học kiêm Trưởng Bộ môn Hóa Dược, Trường ĐH Khoa học tự nhiên) đã hướng dẫn thành công 5 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và nhiều cử nhân. GS Nhân đã công bố 161 bài báo khoa học, trong đó 83 bài quốc tế uy tín trong hệ thống ISI, 70 bài báo quốc gia. Những điều trên chính là quả ngọt được gieo trồng bởi sự kiên trì, nhẫn nại, chấp nhận thất bại trong suốt hành trình cống hiến.
![](https://hcmus.edu.vn/wp-content/uploads/2025/02/TKT_8620-3-scaled.jpg)
Góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng từ nguồn dược liệu Việt Nam
GS.TS Nguyễn Trung Nhân tốt nghiệp cử nhân Hóa học (1996), thạc sĩ Chuyên ngành Hóa Hữu cơ (2000) tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Sau đó, ông tiếp tục tốt nghiệp tiến sĩ Dược học tại Trường ĐH Y Dược Toyama, Nhật Bản (2004). GS.TS Nguyễn Trung Nhân đạt chuẩn Phó Giáo sư ngành Hóa học năm 2013; đạt chuẩn Giáo sư ngành Hóa học năm 2024 và hiện công tác tại Bộ môn Hóa Hữu cơ, Khoa Hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên.
Nhớ lại lựa chọn của mình khi đến với ngành Hóa học và đặc biệt là mái trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên, GS.TS Nguyễn Trung Nhân cho biết ngay từ cấp phổ thông, bản thân đã có niềm đam mê với môn Hóa học, đặc biệt là khi tiếp xúc nhiều ở giai đoạn ôn thi đại học. Sau đó, qua sự hướng dẫn và tư vấn của các thầy cô, GS.TS Nhân đã đăng ký thi vào ngành Hóa của Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (1992), nay là ngôi trường Trường ĐH Khoa học tự nhiên thân yêu.
Hướng nghiên cứu chính của GS.TS Nguyễn Trung Nhân là: Nghiên cứu các thành phần hóa học, xác định cấu trúc và hoạt tính sinh học của các hợp chất từ cây thuốc; Tổng hợp, bán tổng hợp các hợp chất có hoạt tính sinh học; Nghiên cứu quy trình chiết xuất các hoạt chất, tạo các chế phẩm thiên nhiên, ứng dụng trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phòng và điều trị bệnh. Đồng thời, GS.TS Trung Nhân cũng lưu tâm đến việc thử hoạt tính sinh học (kháng oxi hóa, kháng viêm, tiểu đường, béo phì, bảo vệ gan, gây độc một số dòng tế bào ung thư…) của các cao chiết, hợp chất phân lập từ thiên nhiên và tổng hợp.
“Việt Nam có thảm thực vật rất phong phú và đa dạng, tiềm ẩn rất nhiều dược liệu quý chưa được phát hiện. Việc nghiên cứu các hợp chất có nguồn gốc thảo dược để trị bệnh ở nước ta hiện nay còn nhiều hạn chế và kết quả còn khá khiêm tốn. Bản thân tôi rất mong muốn được đóng góp công sức của mình vào nghiên cứu, phát hiện các nguyên liệu hóa dược phục vụ cho việc phát triển thuốc, hỗ trợ điều trị bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng từ nguồn dược liệu Việt Nam”, GS.TS Nguyễn Trung Nhân nói.
Thời gian qua, nhóm nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Trung Nhân đã thực hiện một số chương trình nghiên cứu tìm kiếm các hợp chất từ nguồn dược liệu thiên nhiên theo định hướng tác dụng sinh học hoặc tổng hợp, bán tổng hợp một số hợp chất liên quan đến các căn bệnh như ung thư, đặc biệt là ung thư tụy, viêm loét dạ dày, đái tháo đường, gout, viêm khớp… Nổi bậc nhất là công trình “Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh liên quan đường tiêu hóa từ củ Ngải bún vùng Bảy núi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang”.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu của GS Nhân đã phân lập được hơn 30 hợp chất tinh khiết từ củ Ngải bún, trong đó có 19 hợp chất có cấu trúc mới khung bis(cyclohexenylchalcone). Các hợp chất bis(cyclohexenylchalcone) trong củ Ngải bún có tác dụng ức chế tế bào ung thư tụy PANC-1 rất mạnh trong điều kiện thiếu dưỡng chất. Điển hình là hợp chất isopanduratin A, không chỉ có tác dụng gây độc tế bào ung thư tụy PANC-1 mạnh mà còn có tác dụng ức chế tế bào ung thư gan HepG2 và kháng viêm thông qua ức chế TNF-α dẫn đến chống tế bào khối u phổi A549. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện trong củ Ngải bún chứa hàm lượng lớn hợp chất pinostrobin (chiếm 3% trong cao chiết), một flavonoid đã được công bố có khả năng chống loét dạ dày và ức chế vi khuẩn HP. Do đó, nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện hai dự án nghiên cứu để phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe từ củ Ngải bún.
![](https://hcmus.edu.vn/wp-content/uploads/2025/02/b6cc59b7430dfc53a51c-1024x626.jpg)
Hóa học là khoa học thực nghiệm
Hiện tại, GS.TS Nguyễn Trung Nhân công tác tại Bộ môn Hóa Hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Bản thân giáo sư đã có gần 30 năm giảng dạy tại Bộ môn Hóa Hữu cơ, tham gia chỉnh sửa, cập nhật chương trình đào tạo, đề cương môn học theo chuẩn quốc tế; chủ trì xây dựng chương trình đào Thạc sĩ ngành Hóa học Hữu cơ, chuyên ngành Giảng dạy Hóa học thực nghiệm, nhằm nâng cao trình độ cho giáo viên các trường trung học phổ thông. GS Nhân đồng thời tham gia giảng dạy bậc đại học và sau đại học; hướng dẫn khóa luận, tiểu luận, luận văn và luận án; chủ trì/tham gia các dự án phòng thí nghiệm của khoa, nhóm nghiên cứu mạnh. Đặc biệt, giáo sư đã hoàn thành 10 đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ các cấp: Nafosted, Sở KH&CN TP.HCM, Sở KH&CN An Giang, Đề tài trọng điểm ĐHQG-HCM.
Bày tỏ niềm vui khi đạt được danh hiệu giáo sư, GS.TS Nguyễn Trung Nhân cho biết bản thân rất vui mừng xen lẫn tự hào. “Tôi rất vui vì những đóng góp, nỗ lực của bản thân trong giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu đã được các cấp hội đồng ghi nhận và đánh giá tốt. Đồng thời, tôi tự hào vì thành công này như một món quà tri ân đặc biệt dành cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, các bạn sinh viên, những người đã luôn thương yêu, tin tưởng, hỗ trợ và đồng hành cùng tôi”, GS Nhân bày tỏ.
Ngoài ra, việc đạt được học hàm giáo sư đối với TS Nguyễn Trung Nhân không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực trong quá khứ mà còn đặt ra trách nhiệm lớn lao trên con đường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.
Chia sẻ về mong muốn truyền tải những giá trị tốt đẹp đến các thế hệ sinh viên, GS.TS Nguyễn Trung Nhân cho hay: “Tôi mong muốn các bạn giữ vững được sự đam mê, kiên trì để gặt hái kết quả tốt. Khi các bạn yêu thích hướng nghiên cứu thì sẽ có động lực để học tập. Tuy nhiên, Hóa học là môn khoa học thực nghiệm nên ngoài sự yêu thích thì cần phải có sự kiên trì, nhẫn nại, biết chấp nhận thất bại qua nhiều thí nghiệm để rút ra bài học cho bản thân thì “tay nghề” mới được nâng cao. Hóa học không thể chỉ viết trên giấy mà phải thông qua kết quả thực nghiệm để thành hiện thực”.
Phương châm giáo dục và nghiên cứu của GS Nhân là kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa lý thuyết và thực tiễn. Theo đó, thông qua các bài giảng, GS Nhân thường kết hợp với các kết quả thực nghiệm đạt được để nhấn mạnh triết lý “Hóa học là khoa học thực nghiệm”, yêu cầu các bạn sinh viên phải chú trọng đến thực hành. GS Nhân cho rằng lĩnh vực Hóa học có rất nhiều vấn đề cần các bạn nghiên cứu khám phá, kiến thức không đơn giản chỉ đọc trong sách mà phải đến từ thực nghiệm thì mới mở mang, học hỏi được nhiều điều mới mẻ.
![](https://hcmus.edu.vn/wp-content/uploads/2025/02/z6297249663258_7f44fd2aab99ea26001bb92f37d1d716-1024x576.jpg)
Trong thời gian tới, GS.TS Nguyễn Trung Nhân cùng nhóm nghiên cứu của mình sẽ tiếp tục thực hiện các nghiên cứu sàng lọc các cao chiết từ dược liệu Việt Nam trên các dòng tế bào ung thư cũng như các enzyme: xanthine oxidase, urease, tyrosinase, α-glucosidase,… nhằm tìm kiếm các hoạt chất mạnh phục vụ phát triển thuốc mới. Đồng thời, GS Nhân cũng sẽ tiếp tục tham gia giảng dạy tại đơn vị, đào tạo sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh trở thành các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ; đóng góp vào nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong thời đại công nghiệp 4.0.
“Với những nền tảng có được, cùng với sự đoàn kết của tập thể cán bộ nghiên cứu, cũng như được sự đầu tư nghiên cứu về hướng Hóa Hữu cơ, Hóa Dược của chính phủ, chúng tôi tin tưởng rằng công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo của nhóm trong tương lai sẽ gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp, góp phần phát huy những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, thúc đẩy phát triển ngành Hóa dược của nước nhà”, GS.TS Nguyễn Trung Nhân nhấn mạnh.
Leave a Reply
You must be logged in để gửi bình luận.