Hai nhà khoa học nữ làm rạng danh đất nước ‘xuất thân’ từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM

Hai nhà khoa học nữ làm rạng danh đất nước ‘xuất thân’ từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng – Người phụ nữ đi tìm các hoạt chất ức chế bệnh ung thư

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng

 

GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng- giảng viên bộ môn hóa hữu cơ, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- ĐHQG TP.HCM là người dày công theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát thành phần hóa học một số loài thực vật hoặc địa y Việt Nam, đặc biệt là các loài chưa được nghiên cứu. Từ đó, bà đã phát hiện được nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế tốt sự phát triển của các tế bào ung thư ở người như ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư phổi hoặc ức chế các loại enzyme liên quan đến bệnh tiểu đường nám da, Alzheimer…

Đến nay, giáo sư Phụng đã nghiên cứu 53 loại cây và phát hiện nhiều hợp chất tự nhiên có hoạt tính ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở bệnh nhân ung thư cổ tử cung, ung thư vú… Các công trình này đã đóng góp vào kho tàng tri thức về cây thuốc Việt Nam, cung cấp cơ sở dữ liệu cho các nhà khoa học, góp phần định hướng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên này.Giải thưởng Kovalevskaya năm 2016 dành cá nhân thuộc về GS.TS Nguyễn Kim Phi Phụng.

Trước đó, giáo sư Phụng cũng được nhận Huân chương Lao động hạng ba (2011), Nhà giáo Ưu tú (2010), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2007) cùng nhiều bằng khen khác của Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh.

 

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh – Nhà khoa học mê trồng tre

TS Diệp Thị Mỹ Hạnh

 

Cơ duyên đưa TS Diệp Thị Mỹ Hạnh (nguyên giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên ĐHQG TP.HCM) đến với “nghiệp trồng tre” vào năm 1999, trong một lần về thăm quê, xã Phú An, Bình Dương.

Ý tưởng hình thành làng tre đã thôi thúc bà bắt tay viết dự án “Xóa đói giảm nghèo trên cơ sở bảo tồn tài nguyên thiên nhiên”, với mục đích chính nhằm bảo tồn sự đa dạng sinh học của cây tre Việt, cùng nhiều loài cây bị đe dọa tuyệt chủng khác ở Đông Nam bộ.

Ban đầu, gặp nhiều khó khăn vì thiếu hụt kinh phí, bà Hạnh“gõ cửa” Lãnh sự quán Pháp tại TP. HCM với mong muốn được hỗ trợ thêm chút ít. Họ tư vấn, dự án quá nhỏ nên phải viết lại dự án mang tầm quốc tế, kêu gọi tài trợ của vùng Rhône Alpes (Pháp). Khi dự án tạm hoàn tất thì nước Pháp bầu cử.

Chính quyền mới không muốn tiếp tục thực hiện dự án nên cử ông Jean Philipe Bayon – Phó chủ tịch vùng Rhône Alpes sang Việt Nam với ý định bác bỏ việc tài trợ. Thế nhưng khi đến làng, nhìn thấy những bụi tre quý hiếm được bà sưu tầm, ông thay đổi ý định. Sau đó, bà Mỹ Hạnh được mời sang Rhône Alpes trình bày ý tưởng làng tre. Năm 2003, Hội đồng vùng Rhones Alpes quyết định tài trợ cho dự án 596.000 Euros (khoảng 13 tỷ đồng) trong vòng 6 năm (2003-2008).

Ngày nay, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã hình thành đúng theo ý tưởng ban đầu. Có hơn 2.000 bụi tre, trúc, mai, vầu… của 300 mẫu thuộc 17 loài được sưu tầm từ khắp cả nước. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn tre đã thiết lập quan hệ với 7 nước trên thế giới bao gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Malaysia, Lào, Campuchia, Ma-rốc và đặt mối quan hệ với nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới.

Năm 2010, dự án làng tre Phú An được trao giải thưởng Xích đạo của UNDP.Vì mê trồng tre, bảo tồn tre, bà được mệnh danh là nhà khoa học gắn bó với cội nguồn.

 

* Nguồn: http://phunuonline.com.vn/