“Hình thành và phát triển – Thay đổi để thích ứng” là Toạ đàm nhìn lại quá trình 80 năm gây dựng Cao đẳng Khoa học đến Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Toạ đàm là cầu nối để toàn thể Thầy, Cô giáo, Cán bộ và các thế hệ học viên của Nhà trường ngồi lại với nhau, nói về ngôi trường mình đã gắn bó. Là dịp để nhìn lại những lát cắt lịch sử của Nhà trường và lắng nghe những kỷ niệm, những trăn trở của tập thể, cá nhân đã dành trọn vẹn thời gian công tác gắn bó với ngôi trường giàu truyền thống. Là dịp cùng nhau nhìn lại quá khứ hình thành và phát triển của Nhà trường, tìm ra những giá trị chung nhất trong chiều dài lịch sử, để từ đó làm nền tảng hướng đến tương lai.
Theo đó, Toạ đàm được triển khai theo ba phần nội dung chính:
- Những tình cảm và động lực gắn bó với ngôi trường của khoa học cơ bản
- Những giá trị cốt lõi tiếp nối qua các thế hệ cần giữ gìn và phát huy
- Những điều cần thay đổi để thích ứng trong giai đoạn phát triển mới
Chia sẻ về những tình cảm và động lực gắn bó với ngôi trường, Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Dương Ái Phương – Nguyên Bí thư Đảng uỷ, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM cho rằng đây là ngôi trường đoàn kết, nề nếp, chất lượng đào tạo cao, được khen ngợi, đánh giá cao trong hệ thống giáo dục. Trường có niềm kiêu hãnh phát triển trong những giai đoạn lịch sử thăng trầm và khẳng định được thế mạnh, chỗ đứng trong nền giáo dục Việt Nam và nước ngoài. PGS. Ái Phương bày tỏ hạnh phúc vì Nhà trường đã xây dựng được đội ngũ đồng nghiệp hết lòng, hết sức chung tay kề vai xây dựng phát triển. PGS. Phương mong muốn Nhà trường giữ vững truyền thống đoàn kết, giữ đà phát triển và chất lượng đào tạo sinh viên giỏi phụng sự đất nước. Trải qua đại dịch với những mất mất về nhân sự, mong Nhà trường cùng vượt qua những khó khăn để tiến tương lai.
PGS.TS Nguyễn Thanh Khuyến – Nhà giáo lão thành, Nguyên giảng viên Khoa Hoá học giai đoạn Khoa học Sài Gòn – Tổng hợp – Khoa học Tự nhiên cũng đã ôn lại những kỉ niệm đẹp trong các giai đoạn khó khăn nhưng đầy nghị lực của giảng viên, cán bộ, sinh viên để xây dựng tiếng tăm và chất lượng đào tạo cho Khoa học Sài Gòn – Tổng hợp.
Nhà giáo Ưu tú, GS.TS Lê Văn Hiếu hồi tưởng sự kiện bắt kịp xu hướng phát triển trên thế giới. Nhà trường đã xây dựng và phát triển Khoa Khoa học vật liệu – lĩnh vực tiên phong lần đầu tiên có trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam. Trong tương lai, Nhà trường cần tiếp tục duy trì truyền thống xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ tận hiến, đào tạo ra các thế hệ sinh viên chất lượng cao.
Bàn về những giá trị cốt lõi tiếp nối qua các thế hệ cần giữ gìn và phát huy, Nhà giáo Ưu tú, GS.TS Trần Linh Thước – Nguyên Hiệu trưởng Nhà trường cho rằng những giá trị cốt lõi cần được tiếp tục phát huy gói gọn trong chữ “Chân”:
- Chân lý khoa học: tin tưởng vào các quy luật
- Chân lý cuộc sống: yêu chính nghĩa, có lý tưởng sống, làm việc với đam mê tâm huyết
- Chân phương: tính cách của những người làm khoa học tự nhiên, suy nghĩ cởi mở, logic, luôn làm theo cái đúng
- Chân tình: tính thân tình với đồng nghiệp, Thầy – Trò
- Chân giá trị: tôn trọng giá trị của nhau, hỗ trợ nhau trong công việc.
PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Nhà trường đồng ý với quan điểm của GS. Thước. Hiệu trưởng Lê Quan cho rằng Nhà trường đã vượt qua nhiều thách thức trong quá khứ. Trong tương lai sự đồng lòng sẽ tiếp tục giúp nhà trường phát triển và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Nhà giáo ưu tú GS.TS Nguyễn Hữu Anh – Nguyên Trưởng Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM bày tỏ tự hào Nhà trường là một trong những nơi đầu tiên chuyển sang hệ thống đào tạo tín chỉ. Trải qua quá trình hình thành phát triển giá trị cối lõi từ Cao đẳng Khoa học đến Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đi từ phóng khoáng đến tinh hoa, chuyển sang hiện đại và thích ứng
PGS.TS Trần Cao Vinh – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Trường cho rằng nghị lực, sự tận tâm và tinh thần đoàn kết là nền tảng để giảng viên và đội ngũ cán bộ xây dựng Nhà trường đi lên và cần được tiếp tục giữ gìn, phát huy.
PGS.TS Trương Thị Hồng Loan – Nguyên Trưởng phòng thí nghiệm Kỹ thuật Hạt nhân, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM cho rằng đội ngũ lãnh đạo Nhà trường đã biết nắm bắt xu thế và có một đội ngũ giảng viên tận tậm với các lĩnh vực đào tạo mới, trong đó có lĩnh vực Kĩ thuật hạt nhân, Vật lý Y Khoa.
Thảo luận về những điều cần thay đổi để thích ứng trong giai đoạn phát triển mới, đặc biệt là tiến trình tự chủ đại học, Hiệu trưởng Trần Lê Quan cho rằng Nhà trường cần thay đổi về chương trình đào tạo, cách thức vận hành quản trị đại học nhưng phải giữ truyền thống đào tạo khoa học cơ bản. Đội ngũ giảng viên cần phải thích ứng nhanh nhạy với quá trình chuyển giao công nghệ.
GS.TS Trần Kim Qui – Nhà giáo lão thành, nguyên giảng viên Khoa Hoá học, giai đoạn Khoa học Sài Gòn – Tổng Hợp – Khoa học Tự nhiên cho rằng Nhà trường cần tăng thêm các chương trình ứng dụng để xây dựng khả năng áp dụng các kiến thức lý thuyết ra thực hành thực tế cho đội ngũ giảng viên trẻ, sinh viên.
PGS.TS Nguyễn Du Sanh – Nguyên Trưởng Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Nhà trường mong rằng Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tiếp tục tiếp nối truyền thống, xây dựng kết nối tình nghĩa giữa thầy trò, gắn kết các thế hệ giúp đỡ nhau, cùng nhau nghiên cứu, đào tạo những gì khoa học đang phát triển, đang cần.
PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu cho rằng cần phải tập hợp sức mạnh từ khoa học liên ngành để phục vụ cho ứng dụng và chuyển giao công nghệ.
TS Đinh Bá Tiến – Trưởng Khoa Công nghệ Thông tin bày tỏ mong muốn cần có thêm nhiều cơ chế quản lý đổi mới phù hợp khung pháp lý để nâng cao khả năng cạnh tranh của Nhà trường.
Th.S Ông Thị Ngọc Linh, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành Đoàn, Cựu sinh viên Nhà trường nêu ra các ý tưởng để kết nối Cựu Sinh viên và mong việc xúc tiến các hoạt động của Hội Cựu Sinh viên sẽ đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của Nhà trường.
Kết thúc Toạ đàm, Hiệu trưởng Trần Lê Quan đã tổng kết các ý kiến và gửi lời cảm ơn các Thầy, Cô, cựu Sinh viên đã tham gia Toạ đàm. Hiệu trưởng Trần Lê Quan mong muốn tất cả sẽ cùng đồng lòng để giữ lửa và phát triển Nhà trường trong giai đoạn mới, tự hào với chặng đường 80 năm Cao đẳng Khoa học – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.
Hoà trong không khí ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thay mặt Nhà trường, PGS.TS Trần Lê Quan đã “tri ân và gửi lời cảm ơn chân thành đến quý Thầy, Cô, các đồng nghiệp đã và đang cống hiến sức mình cho sự phát triển của nhà trường, sự nghiệp trồng người của chúng ta. Nhà trường luôn trân trọng sự nỗ lực của mỗi cá nhân Thầy, Cô, mỗi đồng nghiệp, mỗi người lao động, bởi vì vốn quý nhất của nhà trường cũng chính là tất cả chúng ta”.
Một số hình ảnh khác tại Toạ đàm:
Tin HCMUS