Ngày 17 tháng 2, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, Hội đồng Nghiệm thu Đề tài cấp ĐHQG-HCM đã tổ chức phiên họp đánh giá và nghiệm thu đề tài “Công nghệ hydrate trong xử lý nước nhiễm mặn ở các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long”. Đề tài được thực hiện trong giai đoạn 02/2023 – 02/2025 (24 tháng) bởi TS. Trương Lâm Sơn Hải (chủ nhiệm) và các thành viên.

Nội dung và Phương pháp Nghiên cứu
Nước nhiễm mặn đang là thách thức lớn đối với các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt trong bối cảnh xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Mục tiêu chính của đề tài là phát triển hệ thống xử lý nước biển và nước nhiễm mặn bằng công nghệ hydrate tại Phòng thí nghiệm Bộ môn Hóa Phân tích, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM.
Nghiên cứu tập trung vào việc khảo sát nhiệt động lực học và động học của các hợp chất tạo hydrate nhằm lựa chọn điều kiện vận hành phù hợp để ứng dụng trong khử mặn của mẫu nước biển và nước nhiễm mặn được thu thập tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung khảo sát nhiệt động lực học và động học của các hợp chất tạo hydrate nhằm xác định điều kiện vận hành tối ưu. Trong hai năm 2023 – 2024, nhóm đã tiến hành 4 đợt khảo sát thực địa, thu thập mẫu nước dọc theo sông Ba Lai, tỉnh Bến Tre. Các mẫu này được phân tích các thông số hóa lý quan trọng (độ mặn, độ dẫn, TDS, Na, K, Ca, Mg, Br⁻, Cl⁻, F⁻, SO₄²⁻) theo tiêu chuẩn quốc gia để đánh giá hiệu quả xử lý trước và sau khi áp dụng công nghệ hydrate.

Kết quả Nghiên cứu và Ứng dụng
Đề tài đã phát triển thành công hệ thống xử lý nước biển và nước nhiễm mặn bằng công nghệ cyclopentane hydrate (CPH) tại Phòng thí nghiệm Bộ môn Hóa Phân tích, Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM. Nghiên cứu cũng khảo sát các hợp chất tạo hydrate nhằm lựa chọn hợp chất phù hợp cho việc khử mặn tại tỉnh Bến Tre, Việt Nam.
Các khảo sát nhiệt động lực học và động học của hợp chất hình thành hydrate đã được tiến hành nhằm mục đích cải thiện hiệu quả của quy trình khử mặn bằng công nghệ hydrate. Đề tài cũng đã kế thừa thiết bị xử lý nước biển, nước nhiễm mặn sử dụng R134a hydrate tại Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc đã hoàn thành dữ liệu để so sánh với công nghệ sử dụng cyclopentane hydrate được phát triển tại phòng thí nghiệm tại Bộ môn Hóa Phân tích, Khoa Hóa học.
Kết quả cho thấy công nghệ CPH đạt hiệu suất khử mặn từ 70-78% chỉ với một lần xử lý, trong khi công nghệ HFC-134a hydrate loại bỏ gần 90% ion trong nước sau một lần xử lý. Đây là bước đầu quan trọng trong việc đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ hydrate tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục Scopus, bao gồm 2 bài Q1, 1 bài Q2 và 1 bài Q3, cùng với 1 bài báo đăng trên Tạp chí Phát triển Khoa học và Công nghệ – ĐHQG TP.HCM. Đề tài cũng đóng góp đáng kể vào đào tạo nguồn nhân lực khi hỗ trợ 1 học viên cao học hoàn thành luận văn thạc sĩ và 10 sinh viên bảo vệ thành công khóa luận tốt nghiệp.
Hội đồng Nghiệm thu đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đạt được từ đề tài này. Đây được xem là tiền đề để đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ hydrate trong khử mặn, từ đó cải tiến quy trình khử mặn nhằm đáp ứng chất lượng nước đầu ra đạt mục đích sử dụng, đặc biệt góp phần cải thiện tình trạng thiếu nước sạch ở các vùng ven biển, hải đảo hay vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đang bị xâm nhập mặn hiện nay.

Minh Tâm