Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp ĐHQG-HCM: “Đánh giá khả năng tự làm sạch của nguồn nước kênh rạch nội đô TPHCM, xét ảnh hưởng của vận hành hệ thống cống ngăn triều và biến đổi khí hậu”

Ngày 18 tháng 2, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, Hội đồng Nghiệm thu Đề tài cấp ĐHQG-HCM đã tổ chức phiên họp đánh giá và nghiệm thu đề tài “Đánh giá khả năng tự làm sạch của nguồn nước kênh rạch nội đô thành phố Hồ Chí Minh, xét ảnh hưởng của vận hành hệ thống cống ngăn triều và biến đổi khí hậu”. Đề tài được thực hiện bởi PGS.TS. Bùi Việt Hưng (chủ nhiệm) và các thành viên ThS. Phạm Thị Hà (thư ký), ThS. Phạm Việt Hải và TS. Lê Hoàng Anh.

PGS.TS. Bùi Việt Hưng trình bày đề tài

Thực trạng ô nhiễm và giải pháp quản lý nguồn nước trong hệ thống kênh, rạch TP.HCM

TP.HCM có hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc, trong đó chiều dài hệ thống kênh, rạch nội đô khoảng 76 km. Hệ thống này, cùng với sông Sài Gòn, có vai trò quan trọng trong việc tiêu thoát nước cho nội thành và tiếp nhận nước thải từ các hoạt động kinh tế-xã hội trong lưu vực. Tuy nhiên, hệ thống kênh, rạch nội đô đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu từ nước thải sản xuất, công nghiệp, y tế và hơn 1,7 triệu m³/ngày nước thải sinh hoạt, hầu như chưa qua xử lý, thải trực tiếp ra kênh, rạch. Nồng độ các chất ô nhiễm trong hệ thống kênh, rạch thường cao gấp từ 2-5 lần, thậm chí 10-20 lần so với quy chuẩn (QCVN 08:2023/BTNMT) cho phép.

Chính quyền Thành phố đã nỗ lực kiểm soát chất lượng môi trường, đặc biệt là môi trường nước, thông qua công tác quan trắc chất lượng nước hàng năm và thực hiện các dự án cải tạo hệ thống kênh, rạch. Các dự án này bao gồm việc xóa bỏ và di dời các khu nhà ở tạm bợ, khơi thông dòng chảy và tăng cường trao đổi nước với sông Sài Gòn. Sau khi cải tạo, chất lượng nước và khả năng tự làm sạch của kênh đã được cải thiện. Tuy nhiên, công tác quản lý và thực hiện dự án vẫn còn một số bất cập, như bộ số liệu quan trắc không đồng bộ, thiếu tính liên tục và phụ thuộc lớn vào kinh phí hàng năm. Sau một thời gian, chất lượng nước lại có dấu hiệu xấu đi do thiếu tính đồng bộ và việc chưa hoàn thiện các hạng mục.

Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG-HCM

Nội dung và Phương pháp Nghiên cứu

Đề tài sử dụng phương pháp nội suy hồi quy đa biến và phân phối theo đường cong thực nghiệm với đa thức bậc cao để cải thiện tính liên tục và đại diện của bộ số liệu chất lượng nước hệ thống kênh nội đô giai đoạn 2012-2022, bổ sung các thành phần chất lượng còn thiếu và tại các vị trí không được quan trắc liên tục.

Phương pháp đánh giá chất lượng nước WQI điều chỉnh và phương trình Streeter-Phelps được áp dụng để phân tích xu hướng tự cải thiện chất lượng nước trong hệ thống kênh nội đô TP.HCM. Nghiên cứu cũng xem xét các kịch bản biến đổi khí hậu và vận hành hệ thống kiểm soát triều.

Kết quả Nghiên cứu

Kết quả cho thấy xu hướng cải thiện chất lượng nước trong kênh nội đô là trung bình, phụ thuộc vào mức độ trao đổi nước với sông Sài Gòn qua dòng triều. Khi nước thải sinh hoạt được xử lý 100% đạt QCVN 08:2023/BTNMT, xu hướng cải thiện chất lượng nước là tích cực. Đề tài cũng xác định rằng các cống ngăn triều ảnh hưởng chủ yếu trong thời gian thi công công trình, không ảnh hưởng trong giai đoạn vận hành.

Dựa trên phân tích xu hướng chất lượng nước, đề tài đề xuất các giải pháp quản lý môi trường nước, bao gồm hoàn thành các dự án cải tạo đô thị dọc tuyến kênh và tăng cường thu gom, nâng cao chất lượng nước sau xử lý, đáp ứng mục tiêu môi trường đô thị xanh sạch.

Bên cạnh kết quả nghiên cứu, nhóm thực hiện còn đạt được một số thành tựu đáng chú ý, bao gồm 01 bài thuộc scopus được đăng; công tác đào tạo trình độ thạc sỹ: 01 học viên bảo vệ thành công luận văn.

Một số hình ảnh khác tại buổi nghiệm thu đề tài

Minh Tâm