HỘI THẢO KHOA HỌC “PHỤC HỒI RỪNG NGẬP MẶN SAU XÁO TRỘN DO THIÊN TAI: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ GIẢI PHÁP THỰC TIỄN”

HỘI THẢO KHOA HỌC “PHỤC HỒI RỪNG NGẬP MẶN SAU XÁO TRỘN DO THIÊN TAI: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ GIẢI PHÁP THỰC TIỄN”

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp Sở Khoa Học Công Nghệ Tp.HCM “Đề xuất giải pháp xử lý môi trường sau bão Durian nhằm nâng cao chức năng phòng hộ và quản lý bền vững Rừng ngập mặn Cần Giờ trong biến đổi khí hậu”, nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Sinh Thái – Sinh học Tiến hóa, khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học đã tổ chức hội thảo khoa học “Phục hồi rừng ngập mặn sau xáo trộn do thiên tai: cơ sở lý luận và giải pháp thực tiễn” tại Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu.

Hội thảo nhận được sự quan tâm và tham gia của hơn 30 đại biểu đến từ các trường Đại học, các chuyên gia về sinh thái cũng như các nhà quản lý từ các Sở Ban ngành liên quan. Một số báo cáo về cấu trúc rừng và sự phục hồi thảm thực vật sau bão, đáp ứng của các quần thể loài còng ưu thế cũng như hiệu quả về mặt dinh dưỡng trầm tích của diễn thế sinh thái phục hồi tự nhiên làm cơ sở dữ liệu cho việc xây dựng mô hình mô phỏng quá trình tái sinh tự nhiên của rừng và kịch bản biến đổi hệ sinh thái dựa trên các kịch bản về biến đổi khí hậu và rủi ro sinh thái và xây dựng bản đồ khu vực vùng bị gãy đổ do bão Durian cũng như những tác động bão lên hệ sinh thái. Kết quả đã cho thấy quyết định việc giữ khu vực nghiên cứu cho tái sinh tự nhiên đã có những hiệu quả nhất định như làm gia tăng tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái, góp phần vào nâng cao chất lượng và sức khỏe hệ sinh thái. Từ đó, hội thảo đã thảo các hướng phục hồi tự nhiên, đề xuất các giải pháp xử lý môi trường cho hệ sinh thái rừng ngập mặn tại Cần Giờ nói riêng và trong cả nước nói chung dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

TS. Huỳnh Đức Hoàn – Trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ chia sẻ đôi nét về những nghiên cứu tại Cần Giờ và sự hợp tác nghiên cứu giữa Ban quản lý và nhóm nghiên cứu rừng ngập mặn của Bộ môn Sinh Thái – Sinh học tiến hóa

TS. Nguyễn Thị Lan Thi – Chủ nhiệm đề tài chia sẻ hoàn cảnh ra đời của nghiên cứu

TS. Trần Ngọc Diễm My trình bày kết quả nghiên cứu về Đáp ứng của loài còng ưu thế với sự phục hồi rừng sau bão Durian