Hội thảo “Quản trị Tài sản Trí tuệ trong Hoạt động Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo” nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong nghiên cứu và đổi mới, đồng thời cung cấp các chiến lược bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ hiệu quả. Sự kiện tạo diễn đàn kết nối giữa các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức khoa học nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao giá trị nghiên cứu.

Nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy đăng ký sở hữu trí tuệ trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, ĐHQG-HCM (IPTC) phối hợp với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM (Trường ĐH KHTN) và Trung tâm Thông tin Sở hữu Công nghiệp – Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo “Quản trị Tài sản Trí tuệ trong Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo” vào ngày 29 tháng 3 tại Trường ĐH KHTN.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo ĐHQG-HCM, đại diện lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, đại diện lãnh đạo Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, đại diện lãnh đạo Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ, quý thầy cô từ các trường đại học trong và ngoài ĐHQG-HCM, các học viên sau đại học và sinh viên, các doanh nghiệp, đơn vị khoa học công nghệ quan tâm, cùng các cá nhân và nhà khoa học khác. Sự kiện tạo cơ hội trao đổi về chiến lược bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ.

Mở đầu hội thảo, PGS.TS. Trần Văn Mẫn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH KHTN, nhấn mạnh tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời khuyến khích hợp tác giữa đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Chương trình gồm sáu chuyên đề chuyên sâu do các chuyên gia giàu kinh nghiệm trình bày, mang đến những góc nhìn đa chiều và thực tiễn về quản trị tài sản trí tuệ trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Các chuyên đề chính:
- Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo – PGS.TS. Lê Thị Nam Giang (Viện trưởng Viện Sở hữu trí tuệ, Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày về vai trò bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ hình thành từ hoạt động nghiên cứu, các dạng nhận diện tài sản trí tuệ và phương thức bảo hộ hiệu quả.

- Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp – TS. Nguyễn Thị Thu Hiền (Giám đốc Trung tâm Thông tin Sở hữu Công nghiệp – Cục Sở hữu trí tuệ) trình bày về các quy định pháp luật liên quan đến quyền tài sản và sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu công nghiệp và các dẫn chứng cụ thể.

- Các hệ thống đăng ký quốc tế và cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp – ThS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Giảng viên Trường Đại học Fulbright Việt Nam) giới thiệu các điều ước quốc tế về sở hữu công nghiệp như Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT), Thỏa ước Madrid, Thỏa ước La Hay, cùng các hệ thống cơ sở dữ liệu về sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu.

- Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp lớn và bài học kinh nghiệm – TS. Nghiêm Biên (Trưởng bộ phận Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ, Bosch Global Software Technologies) chia sẻ mô hình quản trị tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp, chiến lược tìm kiếm, đánh giá, bảo vệ và khai thác tài sản trí tuệ, cũng như sự khác biệt với mô hình quản trị tại các trường đại học.

- Mô hình hợp tác Đại học – Doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo – TS. Khương Anh Dũng (Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, IoT, Công nghiệp 4.0, Bosch Global Software Technologies) trình bày các nghiên cứu tình huống (case study) và mô hình hợp tác giữa Bosch và các trường đại học, viện nghiên cứu tại Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc, giúp người tham dự có cái nhìn trực quan hơn về hợp tác giữa các tổ chức khoa học và doanh nghiệp.

- Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và vai trò của sở hữu trí tuệ – PGS.TS. Từ Diệp Công Thành (Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao Công nghệ, ĐHQG-HCM) nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ trong môi trường giáo dục và nghiên cứu khoa học. Báo cáo phân tích quyền lợi của sở hữu trí tuệ trong thời đại ngày nay, đồng thời khẳng định Việt Nam cần theo kịp xu hướng toàn cầu để cạnh tranh và phát triển. Các bài học từ mô hình khởi nghiệp tại MIT (Hoa Kỳ), Đài Loan và Hồng Kông cũng được trình bày, cùng các định hướng chính sách nhằm thúc đẩy tài sản trí tuệ trong nước.

Sau phần trình bày, hội thảo diễn ra các phiên thảo luận sôi nổi, trong đó nhiều vấn đề thực tiễn liên quan đến đăng ký, bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đã được các đại biểu trao đổi và làm rõ.



Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị tài sản trí tuệ trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là trong môi trường giáo dục, bao gồm các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và các tổ chức giáo dục có hoạt động nghiên cứu. Quản trị tài sản trí tuệ không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các nhà khoa học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao giá trị thương mại của các nghiên cứu khoa học và tạo động lực cho sự đổi mới.
Sự kiện mang lại góc nhìn sâu sắc, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy chiến lược quản trị tài sản trí tuệ tại Việt Nam, giúp các đơn vị chủ động bảo vệ và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ của mình.

PMN