Hội thảo Quốc tế: Phát triển giáo dục Stem kết nối cộng đồng (SL-STEM) lần thứ nhất, năm 2018

Hội thảo Quốc tế: Phát triển giáo dục Stem kết nối cộng đồng (SL-STEM) lần thứ nhất, năm 2018

Từ ngày 11-12/12/2018, tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã diễn ra Hội thảo Quốc tế “Phát triển giáo dục Stem kết nối cộng đồng” (SL-STEM 2018), nằm trong khuôn khổ Dự án “Kết nối Học tập phục vụ cộng đồng vào giáo dục STEM vì sự phát triển kinh tế – xã hội và công dân toàn cầudo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM và Đại học Thành phố Dublin (Ai Len) phối hợp tổ chức, dưới sự tài trợ của Đại Sứ Quán Ai Len (quỹ VIBE 2017).

 

PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của 6 chuyên gia nước ngoài và hơn 150 giảng viên, giáo viên, sinh viên, học sinh đến từ các đơn vị giáo dục trên cả nước. Về phía trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM có sự tham gia của PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng nhà trường, kiêm Trưởng Ban tổ chức cùng các thành viên trong BTC và nhóm nghiên cứu SL-STEAM. Về phía trường đối tác Đại học Tổng hợp Dublin có sự tham gia của GS. Ronaldo Paul Munck – Trưởng Ban kết nối cộng đồng và NCS. Joanna Ozarowska – quản lý dự án kết nối cộng đồng. Các chuyên gia là khách mời đặc biệt có GS. Hon Ming Lam – Đại học Trung văn Hương Cảng, Hongkong; PGS. Young-Shin Park – Đại học Chosun, Hàn Quốc; PGS. Yu-Chuan Yang – Đại học Quốc gia Đông Hoa, Đài Loan; PGS. Kazi K. Shahidullah – Đại học Chuyên nghiệp Bangladesh và Thầy Nguyễn Quyết Thắng – Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM.

 

Phần trình bày và thảo luận giữa các chuyên gia nước ngoài với đại biểu tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đã trình bày những bài báo cáo về SL – STE(A)M tại đất nước của họ, mang đến cho hội thảo những thông tin hữu ích cùng sự trải nghiệm khác biệt giữa các quốc gia khác nhau. Bên cạnh đó, những bài báo cáo đến từ các giáo viên, giảng viên, sinh viên Việt Nam cũng rất sinh động và ý nghĩa. Đặc biệt, phần trình bày của Thầy Nguyễn Quyết Thắng – Giáo viên khiếm thị đang dạy Toán và tiếng Anh tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu đã giúp mọi người cảm nhận sâu sắc được ý nghĩa của mô hình SL-STE(A)M đã và đang tiếp tục ứng dụng tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM từ cách đây 7 năm.

 

Phần trình bày của Thầy Nguyễn Quyết Thắng – Giáo viên khiếm thị tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu 

Sau các báo cáo là phần triển lãm poster về các dự án SL, STE(A)M, SL-STE(A)M tại sảnh I, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM với 27 dự án với 30 poster đến từ người tham dự khắp mọi miền đất nước cùng hàng trăm sản phẩm từ nhóm nghiên cứu tái hiện quá trình thực hiện những dự án STE(A)M kết nối cộng đồng đầy ý nghĩa. Bên cạnh phần trình bày poster, các tác giả/nhóm tác giả cũng trưng bày các bàn sản phẩm cuối cùng của dự án và hướng dẫn sử dụng cũng như chia sẻ các tính năng đặc biệt của sản phẩm.

Triển lãm poster về các dự án SL, STE(A)M, SL-STE(A)M tại sảnh I, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM

Hội thảo còn có sự tham gia đặc biệt của các tiết mục văn nghệ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, thể hiện sự hòa nhập quốc tế của nhóm học sinh trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và sinh viên, cựu sinh viên Khoa Toán – Tin, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Kết thúc hội thảo, đại diện đối tác Ireland, GS. Ronaldo Paul Munck đánh giá cao những nỗ lực và tinh thần làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp của ban lãnh đạo nhà trường, ban tổ chức và nhóm nghiên cứu SL – STEAM. Đại diện trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM: PGS. Trần Văn Mẫn – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ đã phát biểu bế mạc Hội thảo SL-STEM 2018, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, Đại Sứ Quán Ireland và chúc mừng thành công của nhóm nghiên cứu SL-STEAM.

 Một số hình ảnh khác tại Hội thảo: