Hội thảo Thường niên của Hiệp hội các nhà Ngư học Châu Á (ASI 2017)

 Hội thảo Thường niên của Hiệp hội các nhà Ngư học Châu Á (ASI 2017) – Cơ hội giao lưu và kết nối

Asian Society of Ichthyologists (goi tắt là ASI) – Hiệp hội các Nhà nghiên cứu Ngư học ở Châu Á- được thành lập vào năm 2014 tại Penang, Malaysia với mục tiêu chính là thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ trong các nghiên cứu giá trị kinh tế và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thủy sản trong đó có cá là chủ yếu trong bối cảnh biến đổi toàn cầu của các nhà nghiên cứu Ngư học châu Á và các khu vực khác trên thế giới. Kể từ khi thành lập, ASI đã thu hút được sự quan tâm và kết nối của các nhà ngư học trên thế giới qua các hội thảo thường niên được tổ chức ở nhiều nước thành viên.

Ngày 22-24 tháng Tám năm 2017, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội thảo thường niên của Hiệp hội các nhà Ngư học Châu Á đã được long trọng diễn ra dưới sự tổ chức của trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội các nhà Ngư học Châu Á và sự chủ trì của PGS.TS. Hoàng Đức Huy-ĐH Khoa học Tự nhiên-ĐHQG Tp.HCM.

Phiên khai mạc hội thảo có sự tham dự của PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, trưởng phòng Hợp tác Quốc tế và Quản lý dự án – ĐH KHTN, TS. Nguyễn Trí Nhân – Trưởng khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, ĐHKHTN, Ông Bùi Quý Long, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Hội nhập Khoa học và Công nghệ Quốc tế, trực thuộc Bộ Khoa học và Công Nghệ và một số đại diện đến từ các cơ quan nghiên cứu liên quan như Viện Thủy sản, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tham dự hội thảo có 103 các nhà Ngư học đến từ các Trường Đại học và Viện Nghiên cứu từ 13 Quốc gia: Pháp, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Sri Lanka, Iran và Việt Nam.

 

103 nhà Ngư học đến từ 13 quốc gia trên thế giới đến tham dự trong Hội thảo

 

 Trong hai ngày diễn ra hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày 29 bài báo cáo oral và 14 báo cáo poster với hai chủ đề chính là Đa dạng sinh học và Phát sinh chủng loại Tiến hóa Sinh thái, Lịch sử đời sống, Ngư nghiệp, Di truyền quần thể trong Nuôi trồng Thủy sản.

PGS.TS. Hoàng Đức Huy – ĐH Khoa học Tự nhiên Tp.HCM trình bày về nghiên cứu tiến hóa và phát sinh chủng loại các loài cá khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam

 

Thông qua hội thảo lần này, các nhà Ngư học trên thế giới đã có dịp gặp gỡ, trình bày và trao đổi các kết quả, kinh nghiệm và ý tưởng nghiên cứu, đồng thời xây dựng nhiều mối quan hệ hợp tác nghiên cứu Ngư học trong tương lai ở nhiều lĩnh vực khác nhau như lịch sử tự nhiên, sinh thái, tiến hóa, khai thác, bảo tồn và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản. Hội thảo đã bầu PGS.TS. Hoàng Đức Huy làm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các Nhà ngư học Châu Á với nhiệm vụ thúc đẩy, kết nối, hỗ trợ và phát triển vai trò của Hiệp hội trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ dịch vụ trong khu vực châu Á bao gồm Việt Nam.

Kết thúc báo cáo, các nhà khoa học cùng nhau tham quan chợ đầu mối Bình Điền, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ và Đồng bằng Sông Cửu Long và tìm hiểu về đa dạng cá, nguồn lợi thủy sản ở khu vực phía Nam Việt Nam.

Dự kiến Hội thảo thường niên Hiệp hội các Nhà ngư học kế tiếp sẽ được tổ chức tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc dưới sự chủ trì của GS. Wu Zhiqiang vào tháng Chín năm 2018.

Sau Hội thảo, khóa học Mùa hè “Sinh học và Sinh thái Chức năng Cá” 4 ngày từ 28-31 tháng Tám năm 2017 được tổ chức để hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ trong network tăng cường các kỹ năng phương pháp luận trong sinh học và sinh thái chức năng cho các nghiên cứu trong môi trường ven biển và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. 22 học viên là các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên đến từ các Trường Đại học Sư phạm Huế, ĐH Nha Trang, ĐH Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Cần Thơ, ĐH Bạc Liêu, Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3, Viện Sinh học Nhiệt đới Tp. HCM, Trung tâm Quang trắc và Kỹ thuật Môi trường – Sở Tài nguyên Môi trường Đồng Nai và ĐH Philippines Visayas. Khóa học được giảng dạy và hỗ trợ bởi các chuyên gia từ Đại học Kobe (Nhật), ĐH Ubon Rachathani (Thái Lan), Viện IRD (Pháp), Viện Sinh học Thành Đô (Trung Quốc) và Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Tp. HCM.

 

LIÊN HỆ:

Asian Society of Ichthyologists

PGS.TS. Hoàng Đức Huy

+(84) 908 439 670

hdhuy@hcmus.edu.vn