Tình yêu đối với những trang sách cùng sự tận tụy với các bạn sinh viên là những điều có thể miêu tả về cô Phạm Thị Hoà Nghĩa – cán bộ Thư viện Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Gắn bó với mái trường này đã hơn 20 năm, cô Nghĩa luôn cảm thấy hạnh phúc với cách gọi “cô thủ thư” mà các bạn sinh viên yêu thương gọi mình.
Nỗ lực gắn kết cộng đồng sinh viên
Nhớ về lần “kết duyên” với Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cô Hòa Nghĩa kể về lần tình cờ ghé thăm thư viện và bắt đầu gắn bó cùng nơi đây thông qua sự giới thiệu của một người chị thân thiết. Những ngày hơn 20 năm trước đối với cô Nghĩa là quãng thời gian không thể nào quên được. Với cô, chặng đường hơn hai thập kỷ như một hành trang vô giá trong đời.
“Làm việc tại thư viện Trường ĐH Khoa học tự nhiên là điều may mắn lớn trong đời vì tôi được tiếp xúc với cộng đồng tri thức, các giảng viên tâm huyết, sinh viên năng động và đồng nghiệp vô cùng gắn bó, luôn cố gắng giúp đỡ nhau. Môi trường này khiến tôi cảm thấy háo hức trong mỗi sáng đi làm, thúc đẩy mình gắn bó và cống hiến”, cô Hoà Nghĩa tâm sự.
Theo lời kể của cô Nghĩa, những ngày đầu tiên Thư viện Trường ĐH Khoa học tự nhiên được thành lập, số lượng sách, tài liệu vốn ít ỏi. Từ chính những tấm lòng mong muốn lan tỏa tri thức, các giảng viên đã mang nhiều sách và tài liệu đến để đóng góp cho thư viện. Từng quyển sách, tạp chí, thậm chí là tài liệu sau buổi hội thảo đều được các thầy cô mang về và trở thành tài sản tri thức quý báu.
Gắn bó với Nhà trường từ năm 2001, những kỷ niệm góp nhặt suốt chặng hành trình khiến cô Hòa Nghĩa khó lòng lựa chọn đâu là điều “ấn tượng nhất”. Song, cô Nghĩa vẫn nhớ mãi ngày thư viện được chuyển từ hai phòng nhỏ đơn sơ sang nơi có cơ sở vật chất khang trang hơn. Với cô Nghĩa, khoảnh khắc ấy bản thân như vỡ oà trước sự quan tâm đặc biệt từ Ban giám hiệu Nhà trường. “Cảm giác tựa như bản thân được dọn về một căn nhà mới khang trang”, cô Nghĩa nói.
Trong hơn 20 năm gắn bó, công việc của cô Nghĩa gói gọn trong những hoạt động như tìm kiếm nguồn tài liệu cho giảng viên, sinh viên, phục vụ học tập. Bản thân cô Nghĩa thường xuyên chủ động kêu gọi, khuyến khích các thầy cô kết nối với sinh viên tại không gian của thư viện, nhằm giúp các em có thể tìm hiểu, trau dồi và tiếp thu kiến thức tốt hơn. Ngoài ra, cô Nghĩa cũng chủ động kết nối các sinh viên khác ngành với nhau để giúp các bạn mở rộng mối quan hệ, hỗ trợ nhau trong việc học.
Đọc sách để hiểu rõ mình và giúp được người khác
Cô Hòa Nghĩa cho hay, mỗi thời điểm khác nhau trong đời, bản thân cô lựa chọn một phương châm sống và định hướng phát triển khác nhau. Những kim chỉ nam xuất hiện trong cuộc đời đa phần được cô đúc kết từ việc đọc rất nhiều sách. Công việc thủ thư và niềm say mê sách giúp cô nhận ra rằng, mỗi cuốn sách đều truyền tải các thông điệp nhất định và không hoàn toàn phù hợp với tất cả độc giả.
“Đọc sách không cần đọc nhiều mà phải đọc một cách chất lượng. Nếu chỉ đọc và gấp lại ở trang cuối cùng, ta chỉ đơn thuần dừng lại ở thói quen đọc sách. Việc đọc sách phải đi đôi với chiêm nghiệm và ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Từ đó, con người sẽ trở thành phiên bản tốt đẹp hơn. Tôi mong các em sinh viên có thể hình thành thói quen đọc, học và đi đôi với thực hành các kiến thức từ nơi sách vở”, cô Hoà Nghĩa nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, những lúc sinh viên gặp khó khăn, các bạn thường tìm đến cô Hòa Nghĩa để tâm sự. Những lúc ấy, cô Nghĩa không trực tiếp cho lời khuyên ngay mà gợi ý một cuốn sách phù hợp cho các bạn. Vì theo cô, mỗi người có một cách tiếp nhận khác nhau, hãy để sinh viên tự trưởng thành theo cách phù hợp với bản thân các em.
Quá trình công tác tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cô Nghĩa tạo được nhiều thiện cảm đối với các thế hệ sinh viên Nhà trường. Bạn Quỳnh Hương (sinh viên năm 3, Khoa Công nghệ thông tin) bày tỏ ấn tượng về sự hiền dịu, thân thiện và tận tình của cô Nghĩa đối với các thế hệ sinh viên.
“Em nhớ có lần cô nhầm em với các bạn sinh viên khóa dưới vì em không thạo việc sử dụng mã thư viện để quét khi đến sử dụng dịch vụ. Cô đã hướng dẫn em rất kỹ lưỡng và tận tình. Ngoài ra, cô Nghĩa còn là người chủ động kết nối các sinh viên, tạo nên một cộng đồng yêu thư viện, yêu văn hóa đọc”, Quỳnh Hương nói.
Ân tượng về nụ cười của cô Nghĩa mỗi lần vào thư viện, Thanh Huyền chia sẻ: “Mỗi lần vào thư viện, em đều thấy cô nở nụ cười trước tiên, khiến bản thân cảm thấy rất thân thuộc. Nhớ lại những lúc em tìm tài liệu cho môn học, cô rất ân cần, nhẹ nhàng và giúp đỡ. Ngoài ra, cô còn cho em nhiều lời khuyên hữu ích, từ đó giúp em càng trở nên thích thú hơn khi đến học tập tại thư viện.
Nói về những dự định, cô Nghĩa cho biết bản thân đang ấp ủ công việc sáng tác một cuốn sách. Ngoài ra, cô Nghĩa vẫn mong bản thân khỏe mạnh để tiếp tục cống hiến cho thư viện Trường ĐH Khoa học tự nhiên với tinh thần “Yêu khoa học chọn Tự nhiên, yêu Tự nhiên chọn đến thư viện” mà bản thân và mọi người dưới mái trường này vẫn thường tự hào.
Nhân dịp kỉ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cô Hoà Nghĩa đã gửi lời chúc sức khỏe và hạnh phúc đến các quý giảng viên, đồng nghiệp đang công tác trong ngành giáo dục. Bên cạnh đó, cô Nghĩa cũng bày tỏ niềm hy vọng các thầy cô sẽ luôn giữ được sức khoẻ tốt cùng tinh thần nhiệt huyết trong công việc giáo dục. “Tôi mong mỗi thầy cô sẽ là một cuốn sách quý giá với đầy kiến thức và trải nghiệm để sinh viên có thể học hỏi. Qua đó, các em có thể lớn khôn và tự viết tiếp những trang sách huy hoàng của đời mình”, cô Nghĩa bày tỏ.
MINH QUÂN