Hướng tới NetZero 2025: Khoa học và công nghệ đồng hành cùng phát triển bền vững

Sáng 2/7 tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, Workshop “Xây dựng tương lai xanh – Hướng đến NetZero 2025: Thách thức và Giải pháp trong Phân tích Khí Nhà Kính” diễn ra với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên và người học cùng đại diện các doanh nghiệp quan tâm và hoạt động trong lĩnh vực môi trường và công nghệ.

Các đại biểu tham dự workshop “Xây dựng tương lai xanh – Hướng đến NetZero 2025” tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Sự kiện do Trường Đại học Khoa học tự nhiên phối hợp cùng Công ty TNHH Sao Đỏ Việt Nam – Chi nhánh CMS và Tập đoàn Agilent Technologies tổ chức, nhằm thúc đẩy trao đổi học thuật, chia sẻ các giải pháp công nghệ tiên tiến, đồng thời mở rộng kết nối giữa khối nghiên cứu – đào tạo – ứng dụng trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa cam kết NetZero vào năm 2050.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên – khẳng định: “Chủ đề của hội thảo không chỉ mang tính thời sự, mà còn phản ánh tầm nhìn dài hạn trong chiến lược phát triển bền vững của nước ta cũng như toàn cầu. Đây là dịp để cộng đồng khoa học, giảng viên, sinh viên và doanh nghiệp cùng ngồi lại, chia sẻ tri thức và đồng hành tìm lời giải cho các vấn đề môi trường cấp bách.”

PGS.TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc, nhấn mạnh vai trò khoa học – công nghệ trong chiến lược NetZero quốc gia.

Workshop được kỳ vọng sẽ mở ra các chương trình hợp tác chuyên sâu giữa Nhà trường và doanh nghiệp, từ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình chuyển đổi xanh.

Mở đầu phiên báo cáo chuyên đề, PGS.TS. Tô Thị Hiền – Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường – trình bày tổng quan về hiện trạng và thách thức trong kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam. Theo Phó Giáo sư, các nguồn phát thải chính đến từ lĩnh vực năng lượng, giao thông và xử lý chất thải; song công tác đo lường, giám sát còn gặp nhiều khó khăn do hạn chế kỹ thuật, chi phí và khung pháp lý. Nhóm nghiên cứu AIWAH (Ô nhiễm không khí, nước – Sức khỏe cộng đồng – Biến đổi khí hậu), do PGS.TS. Tô Thị Hiền làm trưởng nhóm, đang phát triển các phương pháp tiếp cận mới nhằm nâng cao hiệu quả phân tích, phục vụ hoạch định chính sách và thực thi cam kết NetZero quốc gia.

PGS.TS. Tô Thị Hiền – Trưởng Bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường trình bày thách thức kiểm kê khí nhà kính và hướng tiếp cận mới từ nhóm nghiên cứu AIWAH.

Đại diện từ Agilent Technologies cũng mang đến những giải pháp công nghệ mới nhất. Cụ thể, diễn giả Thanutchaporn Semathong – Chuyên gia sản phẩm GCMS Agilent Technologies, Thái Lan, đã giới thiệu các thiết bị sắc ký khí GC và GC-MS hiện đại, có khả năng phân tích đồng thời các khí nhà kính như CO₂, CH₄, NOₓ và các hợp chất hữu cơ bay hơi (POC). Với tính năng vận hành tự động, độ nhạy cao và khả năng thích ứng linh hoạt, các thiết bị này hỗ trợ hiệu quả cho nhiều mục tiêu: từ giảng dạy – nghiên cứu đến giám sát hiện trường.

Diễn giả Thanutchaporn Semathong – Chuyên gia sản phẩm GCMS Agilent Technologies, Thái Lan giới thiệu thiết bị GC, GC-MS phân tích khí nhà kính và hợp chất hữu cơ bay hơi.

TS. Narong Lenghor – Quản lý Kênh đối tác Agilent Technologies, Thái Lan – trình bày về hệ thống quét hình ảnh hóa học Agilent 8700 LDIR với công nghệ hồng ngoại tán xạ laser. Đây là một trong những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong phân tích vi nhựa môi trường, cho phép định danh và định lượng chính xác vi nhựa trong không khí, đất và nước – góp phần quan trọng vào công tác quản lý môi sinh đô thị và công nghiệp.

TS. Narong Lenghor – Quản lý Kênh đối tác Agilent Technologies, Thái Lan giới thiệu công nghệ Agilent 8700 LDIR – giải pháp hiện đại trong phân tích vi nhựa môi trường.

Tại phiên thảo luận mở, nhiều vấn đề thực tiễn đã được đặt ra như: hiệu chuẩn thiết bị, phân tích đồng thời nhiều hợp chất, mô hình dự báo phát thải và đánh giá độ bất định trong phân tích. Đặc biệt, đại diện từ doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu trong nước đã trao đổi về nhu cầu “đi thực địa” – ví dụ như lấy mẫu tại trang trại chăn nuôi, khu công nghiệp – và chia sẻ kinh nghiệm triển khai giám sát khí nhà kính ở quy mô vừa và nhỏ. Các vấn đề về định giá sản phẩm môi trường, kiểm kê phát thải theo Nghị quyết 119/2025 của Chính phủ cũng được lồng ghép trong phần thảo luận, nhằm định hướng nghiên cứu theo sát chính sách và nhu cầu thị trường.

Một đại diện doanh nghiệp chủ động đặt câu hỏi và trao đổi với các diễn giả về thách thức triển khai thực địa trong giám sát khí nhà kính.

Workshop lần này không chỉ là diễn đàn học thuật cập nhật công nghệ, mà còn là cầu nối thực chất giữa nhà trường – doanh nghiệp – cộng đồng khoa học. Đây là một minh chứng cụ thể cho vai trò tiên phong của Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững.

Đại diện các bên trao quà lưu niệm tại sự kiện.

Thông qua chuỗi báo cáo chuyên đề, thảo luận mở và kết nối học thuật – thực tiễn, sự kiện đã lan tỏa mạnh mẽ thông điệp hành động vì môi trường, góp phần nâng cao nhận thức và thúc đẩy các sáng kiến khoa học hướng đến mục tiêu NetZero – một ưu tiên toàn cầu không thể trì hoãn.

“Khoa học và công nghệ không đứng ngoài cuộc – đây là lúc chúng ta cần hợp lực, không chỉ để hiểu rõ hơn, mà để hành động nhanh hơn – vì một tương lai phát triển bền vững, phát thải thấp và có trách nhiệm với hành tinh.”

Workshop “Xây dựng tương lai xanh – Hướng đến NetZero 2025” diễn ra sôi nổi với các hoạt động chuyên môn, trao đổi, hỏi – đáp và bốc thăm trúng thưởng, thu hút sự hưởng ứng tích cực từ người tham dự.

PMN