KHAI MẠC HỘI THI OLYMPIC HÓA HỌC SINH VIÊN TOÀN QUỐC 2023

KHAI MẠC HỘI THI OLYMPIC HÓA HỌC SINH VIÊN TOÀN QUỐC 2023

Chiều 18/04, Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc lần thứ 11 được tổ chức với sự đăng cai của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

Hội thi Olympic Hóa học sinh viên toàn quốc là sân chơi học thuật truyền thống dành cho sinh viên yêu thích và đam mê hóa học đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2003, hội thi trải qua 10 lần tổ chức với sự chủ trì của Hội Hóa học Việt Nam cùng sự đăng cai luân phiên của các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc và đã thu hút 1.242 sinh viên tham gia. Năm 2023, Hội thi có sự tham gia của 48 đội thi với 236 thí sinh đến từ 35 trường đại học, học viện trong cả nước, thuộc nhiều khối ngành: sư phạm, khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ, y – dược, nông nghiệp – lâm nghiệp – thủy sản, xây dựng và quốc phòng – an ninh.

Chia sẻ trong lễ khai mạc, PGS.TS. Trần Lê Quan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM, cho biết trường đã có lộ trình chuẩn bị chu đáo, đầy đủ về công tác tổ chức, cơ sở vật chất cũng như phối hợp tốt với các nhà khoa học trên cả nước trong quá trình xây dựng bộ đề thi phù hợp, chất lượng cao cho các bảng thi.

Đồng thời, PGS.TS. Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Khoa hóa học của trường, đã tổ chức tốt mọi mặt liên quan đến hội thi, bảo đảm công tác an ninh, an toàn trong quá trình nhận đề thi, coi thi, chấm thi lý thuyết và thực hành một cách khách quan, công tâm và chính xác…

Theo TS. Đỗ Duy Phi – Chủ tịch Hội hóa học Việt Nam, nội dung thi sẽ cập nhật kiến thức liên quan các vấn đề đang diễn ra trong thực tế, giúp sinh viên thêm năng động và bắt kịp xu hướng của doanh nghiệp và xã hội.

Hội thi được diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 17-22/4/2023, với 3 bảng đấu. Bảng A dành cho các trường đào tạo chuyên sâu về hóa học, kỹ thuật hóa học. Bảng B dành cho các trường đào tạo về công nghệ và kỹ thuật hóa học. Bảng C dành cho các trường đại học đào tạo không chuyên hóa và các trường cao đẳng chuyên hóa. Thí sinh sẽ có 180 phút để hoàn thành bài thi viết lý thuyết, 30 phút làm phần lý thuyết thực hành và 150 phút thực hành thí nghiệm.

Đặc biệt, Hội thi năm nay rất vinh dự có sự tham dự của Giáo sư Morten Peter Medal – ĐH Copenhagen, Đan Mạch, chủ nhân Giải Nobel Hóa học năm 2022 – đến giao lưu, thuyết giảng về “Hóa học click” để lan tỏa kiến thức “Hóa học Click” đến nhà khoa học, giảng viên, sinh viên yêu thích ngành học này.