Sáng ngày 24/10/2024, tại phòng I12, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã tổ chức nghiệm thu đề tài cấp ĐHQG-HCM loại B, do PGS.TS Huỳnh Thị Kiều Xuân làm chủ nhiệm. Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài “Tổng hợp màng ZnO biến tính với F, N và Ag trên nền Zn ứng dụng trong quang xúc tác” đã công bố những bước tiến quan trọng trong lĩnh vực xúc tác quang hóa. Đề tài này tập trung vào việc phát triển các vật liệu quang xúc tác thế hệ mới dựa trên ZnO, với mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ trong nước thải công nghiệp.
Xúc tác quang hóa dựa trên các vật liệu bán dẫn đã được biết đến như một phương pháp tiềm năng trong xử lý nước thải, đặc biệt là các phẩm nhuộm hữu cơ. Trong số các vật liệu bán dẫn, TiO2 từng là lựa chọn phổ biến nhờ khả năng phân hủy hiệu quả các chất ô nhiễm. Tuy nhiên, để cải thiện hiệu suất và giảm chi phí, các nhà khoa học đang nghiên cứu các vật liệu thay thế, và ZnO đã nổi lên như một ứng viên sáng giá nhờ chi phí thấp, tính bền hóa học cao, không độc hại và hoạt tính quang xúc tác vượt trội.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phát triển các màng mỏng ZnO trên nền kim loại Cu mạ Zn bằng phương pháp phủ quay sol-gel, với mục đích giải quyết hạn chế của xúc tác dạng bột. Màng mỏng ZnO không chỉ giúp dễ dàng thu hồi sau quá trình xử lý mà còn cải thiện khả năng hấp thu ánh sáng, nâng cao hiệu quả quang xúc tác. Đặc biệt, các màng này còn được pha tạp với các nguyên tố F, N, và Ag thông qua kỹ thuật sốc nhiệt, giúp tăng cường hiệu quả phân hủy các chất ô nhiễm như MB, MO, RhB và E110 trong cả hai vùng ánh sáng tia cực tím có bước sóng dài và vùng ánh sáng khả kiến.
Kết quả cho thấy màng ZnO trên nền Cu mạ Zn không chỉ đảm bảo độ bền cơ học mà còn có hoạt tính quang xúc tác cao nhờ sự cải thiện về hình thái bề mặt và sự hiện diện của các khuyết tật vật liệu sau khi biến tính. Nhờ đó, hệ xúc tác này đã chứng tỏ khả năng ứng dụng tiềm năng trong việc xử lý nước thải.
Hội đồng đánh giá đề tài đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra với kết quả rất tốt: công bố 2 bài báo quốc tế thuộc danh mục SCIE, đào tạo thành công 1 thạc sĩ và 7 cử nhân khoa học.