Khoa Sinh học-CNSH Trường ĐH KHTN tổ chức tọa đàm Nghề của tôi – My Jobs

Khoa Sinh học-CNSH Trường ĐH KHTN tổ chức tọa đàm Nghề của tôi – My Jobs

Vừa qua (06/5), chương trình Tọa đàm Nghề của tôi – My Jobs do Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM lần đầu tiên tổ chức đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham gia.

Buổi tọa đàm đã thu hút đông đảo HSSV tại TP.HCM tham dự

Mở đầu chương trình, T.S Nguyễn Trí Nhân – Quyền trưởng Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học đã có đôi lời phát biểu về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp đối với sinh viên. Sau đó, lần lượt các phiên tọa đàm được diễn ra với sự điều phối của 2 MC là anh Nguyễn Thường – cựu sinh viên khóa 2012 ngành Công nghệ Sinh học và PGS.TS. Trần Văn Hiếu.

Chương trình Tọa đàm nghề của tôi – My Jobs bao gồm 4 phiên với nội dung xoay quanh các chủ đề liên quan đến nghề nghiệp mà sinh viên ngành SH – CNSH có thể ứng tuyển sau khi ra trường, cụ thể: Phiên 1 – “Cơ hội nghề nghiệp dành cho ngành SH-CNSH”, Phiên 2 – “Nghiên cứu: Khó hay dễ?”, Phiên 3 – “Chuyên viên kỹ thuật – Nghề nghiệp của tương lai, Phiên 4 – “Khoa học vs Kinh doanh”.

Ở phiên đầu tiên, các bạn sinh viên được nghe chia sẻ tổng quan về các cơ hội nghề nghiệp của ngành SH – CNSH cũng như lưu ý về vấn đề tìm việc và ứng tuyển đối với sinh viên mới ra trường. Khách mời của phiên này bao gồm TS. Đinh Minh Hiệp – Trưởng ban quản lý khu Nông nghiệp Công nghệ Cao, Anh Nguyễn Phi Long – CEO công ty Biomedia và chị Trần Thị Tú Trinh – Giám sát cao cấp về nguồn nhân lực tại công ty Ajinomoto Việt Nam.

Phiên tọa đàm đầu tiên diễn ra rất sôi nổi với những chia sẻ bổ ích và thực tế từ các vị khách mời.

Tại phiên tọa đàm thứ hai, các bạn sinh viên được hiểu rõ hơn về công việc nghiên cứu qua những chia sẻ của các khách mời đến từ nhiều môi trường làm việc khác nhau. Đó là TS. Lê Văn Tấn – Trưởng nhóm bệnh nhiễm, Viện Nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford, Anh Trần Quốc Thiên – Nghiên cứu viên tại công ty TNHH CNSH Khoa Thương, TS. Trương Hải Nhung – Phó trưởng PTN Tế bào gốc, ThS. Bùi Xuân Sơn – Đội trưởng đội sản xuất nông trại thuộc công ty Vineco. Đặc biệt, phiên tọa đàm này được dẫn dắt bởi PGS. TS. Trần Văn Hiếu – Phó trưởng bộ môn CNSH Phân tử và Môi trường, trưởng nhóm nghiên cứu GMIF của ĐH Khoa học Tự Nhiên.

Các khách mời chia sẻ những câu chuyện rất thực về đời nghiên cứu cho các bạn sinh viên

Phiên tọa đàm thứ ba lại chú trọng đến một mảng công việc được rất nhiều bạn sinh viên quan tâm đó là Chuyên viên kỹ thuật. Các khách mời của phiên 3 đều đã và đang đảm nhận những vị trí kỹ thuật viên tại công ty chuyên về công nghệ hoặc bệnh viện. Đó là ThS. Nguyễn Thành Khôi – Giám đốc sản phẩm và Nghiên cứu chẩn đoán, công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất; ThS. Nguyễn Thị Phương Hiếu – Quản lý ứng dụng tại công ty TNHH Roche Việt Nam và ThS. Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng phân môn SHPT, bộ môn Xét nghiệm, ĐH Y Dược.

Các khách mời chia sẻ những khó khăn và lợi thế của công việc kỹ thuật viên trong thế kỷ 21.

Phiên tọa đàm thứ tư tập trung vào nhóm mảng kinh doanh các thiết bị và sản phẩm liên quan đến ngành Sinh học và Công nghệ sinh học. Trong phiên tọa đàm này, các bạn sinh viên đã rất hào hứng trao đổi về nhiều vấn đề liên quan đến khởi nghiệp cũng như kinh nghiệm để một sinh viên ngành kỹ thuật có thể lấn sân sang kinh tế. Khách mời trong phiên cuối là những anh chị hiện đang phụ trách mảng kinh doanh của các công ty, bao gồm: Anh Nguyễn Thành Quang – Trưởng bộ phận kinh doanh công ty TNHH TM&DV Kỹ thuật Phúc Tín, chị Quan Tuyết Anh – Giám sát kinh doanh công ty TNHH Merck Việt Nam và TS. Trần Nhật Phương – Giám đốc công ty TNHH TM Y Nhân.

 

Sinh viên quan tâm đến thông tin tuyển dụng và cơ hội du học trong khuôn khổ của buổi tọa đạm

Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Nguyễn Trí Nhân đã có lời cảm ơn và đúc kết lại toàn bộ chương trình Tọa đàm Nghề của tôi – My Jobs. Theo đó, Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các bạn sinh viên để có thể thực hiện những hoạt động thiết thực dành cho các bạn sinh viên trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Khoa Sinh học-CNSH