Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật lần đầu tổ chức Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp

Ngày 23/7, Vòng chung kết cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp – PHYS-TESLA 2025” đã diễn ra tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, với sự tham gia tranh tài của 7 đội thi đến từ các trường phổ thông và đại học. Cuộc thi do Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật tổ chức lần đầu tiên, với sự đồng hành tài trợ từ Quỹ học bổng Trần Thông.

Chương trình có sự tham dự của ông Trần Quốc Nhân – đại diện Quỹ học bổng Trần Thông; GS.TS Lê Minh Triết – Chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM; PGS.TS Hồ Mạnh Dũng – Phó Chủ tịch Hội Vật lý TP.HCM; cùng lãnh đạo Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, gồm PGS.TS Huỳnh Văn Tuấn – Trưởng Khoa, TS. Đặng Hoài Trung – Phó Trưởng Khoa.

PGS.TS Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật tặng quà tri ân Ông Trần Quốc Nhân – đại diện Quỹ học bổng Trần Thông

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS.TS Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật cho biết “PHYS-TESLA là sân chơi học thuật – đổi mới – sáng tạo dành cho học sinh, sinh viên yêu thích vật lý, kỹ thuật và khoa học ứng dụng. Cuộc thi nhằm khuyến khích các bạn phát triển các ý tưởng khoa học, kết nối tri thức vật lý với đời sống, đồng thời hình thành tư duy khởi nghiệp thông qua việc xây dựng mô hình kinh doanh khả thi cho các sản phẩm, giải pháp của mình”. Thầy bày tỏ kỳ vọng cuộc thi sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng quy mô trong các năm tới, trở thành cầu nối giữa đào tạo – nghiên cứu – ứng dụng thực tiễn.

Trong suốt thời gian diễn ra vòng chung kết, các đội thi lần lượt trình bày đề tài và phản biện trực tiếp cùng hội đồng chuyên môn

Bảy đề tài vào vòng chung kết năm nay đều tập trung vào các vấn đề thiết thực như chăm sóc sức khỏe, an toàn dân dụng, giáo dục STEM, trí tuệ nhân tạo và môi trường. Các ý tưởng thể hiện rõ tính ứng dụng, kết hợp nền tảng kiến thức vật lý với công nghệ hiện đại. Một số đề tài nổi bật gồm: RehaF AI – Ứng dụng AI hỗ trợ phục hồi chức năng; Vòng tay thông minh bảo vệ sức khỏe tinh thần trong thời đại số; Wireless Anything – Cổng USB nối dài không dây; Thiết kế mô hình cảnh báo để quên trẻ trên xe; Mô hình thành phố thông minh cho giáo dục STEM kết hợp AR; Yên xe chống nắng ứng dụng vật liệu chuyển đổi pha; Mặt nạ cứu hỏa thông minh tích hợp sóng âm và định hướng thoát hiểm.

Thi sính trình bày ý tưởng đề tài “Mô hình thành phố thông minh cho giáo dục STEM kết hợp AR” – đề tài có mô hình trực quan được đánh giá khá cao

Nhóm học sinh Phổ thông Năng khiếu trình bày ý tưởng với đề tài “Ứng dụng AI hỗ trợ phục hồi chức năng “

Kết quả chung cuộc, giải Nhất được trao cho nhóm học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu với dự án “RehaF AI – Ứng dụng AI hỗ trợ phục hồi chức năng”. Dự án gây ấn tượng bởi tính nhân văn, tính khả thi cao trong triển khai và phần trình bày thuyết phục tại vòng phản biện. Giải Nhì thuộc về đề tài “Vòng tay thông minh bảo vệ sức khỏe tinh thần trong thời đại số”, và giải Ba được trao cho “Mô hình thành phố thông minh cho giáo dục STEM kết hợp AR”.

Cuộc thi “PHYS-TESLA 2025” khép lại trong không khí sôi nổi và đầy cảm hứng, đánh dấu bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động học thuật hướng đến đổi mới sáng tạo của Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật. Đây không chỉ là sân chơi giao lưu, kết nối tri thức vật lý với thực tiễn, mà còn là nền tảng quan trọng để phát hiện, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp trong cộng đồng học sinh – sinh viên.

Một số hình ảnh tại Vòng chung kết cuộc thi

TMT

PHYS-TESLA 2025 là cuộc thi do Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức, dành cho học sinh, sinh viên có đam mê với khoa học, công nghệ và khởi nghiệp.

SỨ MỆNH TESLA

T – Turn Ideas into Reality: Biến ý tưởng thành hiện thực

E – Encourage Experimentation: Khuyến khích thử nghiệm, khám phá

S – Strengthen Scientific Curiosity: Nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu

L – Learn, Lead, and Innovate: Học hỏi, dẫn dắt, đổi mới

A – Aim for Sustainable Development: Hướng đến phát triển bền vững