NCS. Trần Thanh Hùng (khóa 2017) đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp cơ sở đào tạo, ngành Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM với chủ đề: “Nghiên cứu hoạt tính kháng khuẩn, tác động sinh học của tinh dầu từ quả bời lời chanh (Litsea cubeba) và một số hợp chất thành phần lên Helicobacter pylori”, dưới sự hướng dẫn của TS. Trần Trung Hiếu và TS. Lương Thị Mỹ Ngân.

Luận án tiến hành khảo sát 25 loại tinh dầu chiết xuất từ 24 loài cây thuốc dân gian Việt Nam, trong đó tinh dầu từ quả bời lời chanh (L. cubeba) được xác định là hoạt chất có tiềm năng nhất trong việc ức chế Helicobacter pylori – một chủng khuẩn được xem là tác nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày – tá tràng. Tinh dầu L. cubeba và 6 hợp chất thành phần (citronellol, citral, citronellal, linalool, 1,8-cineole và limonene) hiển thị hoạt tính kháng khuẩn mạnh lên cả chủng H. pylori ATCC 43504 và 5 chủng H. pylori kháng thuốc kháng sinh.
Nghiên cứu đã làm rõ các cơ chế tác động sinh học quan trọng của tinh dầu và từng hợp chất thành phần, bao gồm: ức chế hoạt động của enzyme urease – một enzyme then chốt giúp H. pylori tồn tại trong môi trường acid của dạ dày; ngăn chặn quá trình hình thành màng sinh học (biofilm); làm tăng tính thấm màng tế bào, gây biến đổi hình thái, phá vỡ cấu trúc bề mặt màng ngoài và dẫn đến phân mảnh DNA của tế bào H. pylori. Đáng chú ý, L. cubeba thể hiện khả năng ức chế hoàn toàn quá trình bám dính của H. pylori lên niêm mạc dạ dày (đã thí nghiệm trên chuột). Kết quả này làm nổi bật tiềm năng ứng dụng của tinh dầu trong việc hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm khuẩn dạ dày do H. pylori gây ra.
Trong số các hợp chất được khảo sát, citral cho thấy hiệu quả tương đương với L. cubeba trong việc ức chế hoạt tính của enzyme urease và quá trình hình thành màng sinh học (biofilm), trong khi citronellol thể hiện hiệu lực vượt trội hơn L. cubeba trong việc phá vỡ tính toàn vẹn màng tế bào và gây tổn thương DNA. Các hợp chất khác như limonene, citronellal, linalool và 1,8-cineole cũng ghi nhận những tác động đáng kể, tuy nhiên hiệu lực thể hiện sự biến thiên tùy thuộc vào từng cơ chế tác động sinh học cụ thể.

Với những kết quả đạt được, nghiên cứu đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học cho việc ứng dụng tinh dầu từ quả lời bời chanh trong phòng ngừa và hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng do H.pylori gây ra. Đồng thời, các kết quả này có thể được sử dụng để làm cơ sở dữ liệu cho các nghiên cứu sàng lọc chất và hợp chất tự nhiên có tiềm năng phối hợp và/hoặc thay thế thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh lý dạ dày, đặc biệt trong bối cảnh kháng thuốc kháng sinh ngày càng gia tăng.

PMN _ Nguồn ảnh: NCS. Trần Thanh Hùng