Sáng ngày 07/03/2014 tại cơ sở Nguyễn Văn Cừ – Quận 5 đã diễn ra chương trình “Phụ nữ và mùa Xuân”, được tổ chức bởi Quỹ VinIF và Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Sự kiện đã nhận được sự quan tâm, tham dự của đại diện lãnh đạo Trường ĐH KHTN – ĐHQG HCM, Quỹ VINIF, và 200 đại biểu khách mời là các VINIF Alumni, các bạn trẻ, cùng trên 4.000 khán giả xem trực tuyến.
Mục tiêu của sự kiện là tạo điều kiện cho các nhà khoa học, chuyên gia và các bạn trẻ trên toàn quốc có cơ hội giao lưu, trao đổi kiến thức, và kết nối với các chuyên gia uy tín trong và ngoài nước.
Sự kiện có sự tham gia của PGS.TS. Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng; GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Hiệu trưởng; PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương – Viện Toán học VAST; Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup; PGS.TS Trương Văn Món Sakaya – Nhà nghiên cứu văn hóa Chăm; PGS.TS Phan Thị Ngọc Loan, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM và Nghệ sĩ Giang Trang – cựu sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại Thương cùng ban nhạc của mình. Cũng như nhiều nhà khoa học, các chuyên gia và các bạn trẻ yêu khoa học, công nghệ tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến.
Sự kiện nổi bật với chuyên mục tọa đàm “Phụ nữ và mùa xuân” với các khách mời đặc biệt: GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai và PGS Trương Văn Món (các diễn giả); PGS-TSKH Phan Thị Hà Dương; nghệ sĩ Giang Trang và PGS-TS Phan Thị Ngọc Loan.
Tại sự kiện, GS-TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã trình bày bài giảng đại chúng đầu tiên với chủ đề Dược liệu có nguồn gốc thiên nhiên – cơ hội tại Việt Nam từ góc nhìn của một nhà khoa học nữ.
GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai tốt nghiệp ngành Hóa học tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, lấy bằng tiến sĩ ngành Dược học tại Trường ĐH Y Dược Toyama (Nhật Bản), được bổ nhiệm chức danh Giáo sư vào năm 2021. Trong 10 năm đầu sau tiến sĩ, GS chủ yếu tập trung nghiên cứu lĩnh vực phát hiện thuốc từ dược liệu Việt Nam. Gần đây, GS tiếp tục triển khai một số nghiên cứu ứng dụng, hoàn thành 2 sản phẩm hỗ trợ ung thư đường tiêu hóa và viêm khớp từ dược liệu trong nước. GS đã chủ trì và hoàn thành 14 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, công bố hàng trăm bài báo trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Với những thành tích nổi bật, GS. Nguyễn Thị Thanh Mai đã đạt được Giải thưởng Sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, nhóm nghiên cứu của GS cũng đạt được giải thưởng Quả cầu vàng năm 2017 và Giải thưởng sáng tạo Tp. Hồ Chí Minh năm 2019.
Đặc biệt, năm 2021, GS. Nguyễn Thị Thanh Mai giành giải thưởng Kovalevskaia cao quý dành cho nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích trên các lĩnh vực của cuộc sống. Hiện nay, GS đang giữ cương vị Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
Tóm tắt bài giảng: Việt Nam được biết đến là một quốc gia có kho tàng dược liệu quý giá, tuy nhiên việc nghiên cứu và phát triển bền vững các sản phẩm tiên tiến từ nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều thách thức. Là một nhà khoa học nữ với kinh nghiệm hơn 20 năm, GS. Nguyễn Thị Thanh Mai sẽ trình bày một số nghiên cứu có tính hệ thống trong việc phát hiện các thành phần quyết định khả năng chữa trị của dược liệu, các ứng dụng trong việc phát triển các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe, cũng như phân tích những cơ hội, thách thức trong lĩnh vực nghiên cứu về hóa dược nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các nhà khoa học nữ khác, hướng tới một tương lai sức khỏe tốt đẹp hơn cho mọi người, góp phần phát triển ngành công nghiệp Dược bền vững tại Việt Nam.
Trong bài giảng đại chúng số 2, PGS-TS Trương Văn Món mang đến một luồng gió mới về văn hóa, lịch sử, khi nói về chủ đề Giới trong kỷ nguyên số: Nghiên cứu trường hợp phụ nữ người Chăm ở Việt Nam trong xã hội mẫu hệ hiện nay.
PGS.TS. Trương Văn Món, bút danh Sakaya, là một nhà nghiên cứu văn hóa Chăm hàng đầu của Việt Nam hiện nay. Bản thân là người dân tộc Chăm, ông tốt đại học nghiệp ngành sử học, học thạc sĩ tại Malaysia, tu nghiệp tại Mỹ và lấy bằng tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học vào năm 2012. PGS. Trương Văn Món nghiên cứu văn hóa Chăm hơn 30 năm, xuất bản hơn 25 cuốn sách và công bố hơn 125 bài đăng tải trên tạp chí trong nước và quốc tế, với nhiều chủ đề khác nhau về văn hóa – lịch sử Champa, và giành nhiều giải thưởng quan trọng, như huy chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam” năm 2003, bằng khen của ĐH Quốc gia Tp. HCM về thành tích công bố khoa học năm 2010 và 2011. PGS.TS. Trương Văn Món cũng tham gia và thực hiện nhiều dự án lớn liên quan đến văn hóa, lịch sử dân tộc Chăm, đặc biệt là các dự án trình UNESCO công nhận về “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” tại vùng Núi Chúa – Ninh Thuận và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
Tóm tắt bài giảng: Giới (gender) từ lâu đã được các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tuy nhiên cho đến nay, mặc dù con người đã bước vào kỷ nguyên số nhưng sự bất bình đẳng về giới vẫn còn diễn ra trên hành tinh chúng ta và phụ nữ vẫn còn đang trên con đường đấu tranh cho bình quyền. Trong khi đó, ở Việt Nam có một dân tộc Chăm đến nay vẫn theo chế độ mẫu hệ. Ở đó, người phụ nữ luôn đứng đầu gia đình, tộc họ và cả quốc gia (vương quốc Champa cổ) và luôn được mọi thành viên trong xã hội tôn vinh. Nhân dịp hướng đến chào mừng ngày quốc tế phụ nữ (8/3), diễn giả sẽ giới thiệu một trường hợp nghiên cứu về phụ nữ Chăm trong xã hội mẫu hệ – một nét văn hóa riêng độc đáo được nhiều người ngưỡng mộ. Hy vọng bài trình bày sẽ góp thêm một góc nhìn mới trong bức tranh đa dạng trên con đường hướng đến sự bình quyền giới trong kỷ nguyên số ngày nay.
Hình ảnh: BTC