PGS.TS. TRẦN VĂN HIẾU VÀ CỘNG SỰ ĐẠT GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

PGS.TS. TRẦN VĂN HIẾU VÀ CỘNG SỰ ĐẠT GIẢI THƯỞNG SÁNG TẠO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ VIỆT NAM

Tối 27.10.2022, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2021; kỷ niệm 30 năm thành lập Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã quyết định trao giải thưởng cho 45 công trình bao gồm: 4 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba và 19 giải khuyến khích.

Theo đó, Công trình “Nghiên cứu phát triển que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibro parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute Hepatopancreatic Necrosis Disease – AHPND) trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ” của PGS. TS. Trần Văn Hiếu và các cộng sự vinh dự được trao giải Khuyến Khích.

Ban tổ chức trao giải khuyến khích cho các tác giả đạt giải

Hội thảo giới thiệu que thử tại các tỉnh Tây Nam Bộ

Đề tài góp phần tạo ra que thử lần đầu tiên trên thế giới phát hiện hai độc tố ToxA, ToxB gây bệnh Hoại tử gan tụy cấp (AHPND) do Vibrio parahaemolyticus  cũng như điều tra thực trạng bệnh AHPND do Vibrio parahaemolyticus ở các tỉnh nuôi tôm trọng điểm vùng Tây Nam Bộ hiện nay. Que thử này dựa trên phương pháp dựa trên tương tác kháng nguyên – kháng thể. Độc tố ToxA, ToxB gây bệnh sẽ được gây đáp ứng miễn dịch để tạo ra kháng thể đặc hiệu kháng độc tố. Dựa theo nguyên tắc này, khi thay thế loại kháng thể được phun lên màng, ta có thể sử dụng que thử để phát hiện các loại bệnh khác nữa. Vì thế, que thử cũng như công nghệ tạo ra que thử của đề tài có tiềm năng ứng dụng rộng lớn. Hiện nay, do chưa có bất kì sản phẩm que thử nào cho bệnh AHPND do Vibrio parahaemolyticus gây ra cả trên thế giới lẫn ở Việt Nam nên có thể thể được hiệu quả kinh tế-xã hội vô cùng to lớn của kết quả đề tài mang lại. Ngoài ra, việc chẩn đoán sớm từ thực địa (ao nuôi) giúp nông dân chủ động hơn trong việc phòng tránh và điều trị kịp thời bệnh, góp phần hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của hộ nông dân cũng như địa phương sở tại.