Phát triển trí tuệ nhân tạo: Con người phải là trung tâm

Phát triển trí tuệ nhân tạo: Con người phải là trung tâm

Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Minh Triết – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) – Khuyến cáo cho TP.HCM” được diễn ra vào ngày 25/09/2019 do Ủy ban Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo PGS.TS Trần Minh Triết: Không chỉ riêng AI mà đích đến của mọi sự phát triển đều nhằm phục vụ con người. Với AI, xuất phát từ nhu cầu thực tế, các đề bài sẽ ra đời và thách thức nhà khoa học. Một khi họ đã tìm được những giải pháp, chúng chưa chắc thành công mà phải qua giai đoạn thử nghiệm cả về tính chính xác, hiệu quả và cả trải nghiệm người dùng, giúp cho giải pháp có thể được triển khai rộng rãi và được xã hội chấp nhận. Ví dụ như trong việc thiết kế ngôi nhà thông minh, dù con người được thụ hưởng các điều kiện sống tốt hơn nhưng có thể con người chưa thật sự cảm thấy thoải mái, tự nhiên và có cảm giác bị theo dõi bằng công nghệ trong chính ngôi nhà của mình. Các giải pháp chứa hàm lượng tri thức cao cũng tương tự các sản phẩm khác, đều trải qua các giai đoạn từ hình thành ý tưởng đến khi ra sản phẩm và cuối cùng được thị trường chấp nhận. Các giải pháp AI tích hợp nhiều tri thức của con người, nên mang kỳ vọng lớn hơn với mong muốn giải quyết được nhiều bài toán mới hơn và hiệu quả hơn.

PGS.TS Trần Minh Triết nhận định Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt về nguồn nhân lực, để tham gia vào việc nghiên cứu và ứng dụng AI theo xu hướng chung trên thế giới. Để phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI, có thể quan tâm xây dựng đội ngũ chuyên gia trên ba lĩnh vực: nhóm nghiên cứu các mô hình lý thuyết, nhóm phát triển giải pháp thông minh ứng dụng vào thực tế và nhóm triển khai những giải pháp này vào cuộc sống. Theo đó, thành phố sẽ có chiến lược phát triển nguồn nhân lực dài hạn để đội ngũ có thể chuyên môn hóa, tạo cơ hội bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực chuyên môn và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, AI chỉ có thể được ứng dụng hiệu quả khi có sự kết hợp giữa các chuyên gia trong các lĩnh vực chuyên ngành khác nhau, như trong lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Vì vậy, cần có sự gắn kết và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, các bài toán và giải pháp liên ngành để AI có thể thật sự phục vụ cuộc sống.

Nguồn tham khảo: tuoitre.vn