(Bài viết được ghi lại theo lời chia sẻ của bạn Vũ Hoàng Minh Quân – Thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG – HCM khóa 2013 – 2017)
“Tôi thường hỏi các bạn của mình, điều quan trọng nhất của họ là gì. Sẽ có người trả lời là gia đình, có người trả lời là rất nhiều thứ, còn với tôi đó chính là niềm đam mê.”
Vũ Hoàng Minh Quân (thứ 2 tứ trái sang) cùng các bạn tại Lễ trao bằng tốt nghiệp Trường ngày 19/10/2017
Chặng đường theo đuổi đam mê
Thời tiểu học, tôi cũng bị cha mẹ bắt học toán và văn như bất kì đứa trẻ nào ở Việt Nam. Khi lên trung học cơ sở, tôi tham gia một số cuộc thi như cuộc thi học sinh giỏi và tôi phát hiện mình rất thích khoa học từ đó. Lúc ấy, tôi vừa thích môn Toán mà cũng vừa thích môn Lý. Cuối cùng cũng bởi bản tình tò mò ham thích sự chứng minh định luật mà tôi quyết định chọn Toán.
Năm 2010, với sự kiện giáo sư Ngô Bảo Châu được trao tặng huy chương Fields, tôi càng có quyết tâm phải trở thành một nhà toán học. Một quyết định liều lĩnh của một đứa con trai 18 tuổi là phản đối lại mong muốn của cha mẹ thi vào kinh tế, tôi vẫn nhất quyết chọn theo trái tim: Toán học. Tôi đã chọn Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, nơi thích hợp để tôi học tập và nghiên cứu môn mình yêu thích, đây cũng là nơi có thể giúp tôi trở thành một nhà Toán học thật sự. Nghĩ lại ngày xưa, cái sự bướng bỉnh đã giúp tôi đến gần hơn với đam mê của mình.
…cũng đầy những khó khăn
Vì lớp phổ thông không ai thi chung với tôi vào khoa Toán, nên lúc vào đây học, tôi không tránh khỏi cảm giác lạc lõng. Đặc biệt ở lớp Cử nhân Tài năng, tôi còn phải chịu áp lực lớn hơn. Nhưng với tôi, cố gắng làm điều mình thích, tôi không dễ từ bỏ. Tôi quyết định biến đam mê thành động lực. Tôi đã phải rèn luyện một tâm lý thật vững vàng để tự biến bản thân mình thành điểm tựa của mình, đặt ra mục tiêu không bao giờ từ bỏ điều đó, cho dù nản như thế nào. Người giỏi sẽ có người giỏi hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc mình thua kém họ, nên phải rèn luyện một tâm lý thật vững. Tôi nghĩ chỉ cần có đam mê, sự tự nghiền ngẫm và tìm hiểu, tôi sẽ tự vượt qua. Động lực của tôi chính là niềm đam mê Toán học to lớn. Khi người ta đam mê lĩnh vực nào, ai cũng muốn mình là người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Khi tôi đam mê toán, thì tôi phải cố gắng. Giống như chuyện người ta đam mê ca hát, thì họ phải hát thật nhiều. Với tôi toán cũng vậy. Tôi thích làm toán nhiều, mà con người khi làm cái gì nhiều thì không thể nào không giỏi được. Không thể nào nói mình đam mê bất kì một cái gì mà mình lại nói mình không giỏi nó được.
“Tôi là mọt sách”
Tôi thích đọc đến mức gần như là mọt sách. Tôi đọc rất nhiều sách. Thời gian rảnh, tôi thích đọc sách thay vì chơi game. Sách tôi đọc rất nhiều thể loại từ các truyện ngắn đến thể loại khoa học như Toán, Lý, Hóa, Sinh. Trong lúc đọc, tôi thích đặt cho mình những câu hỏi và tìm hiểu tại sao nó như vậy. Trên giảng đường đại học tôi bỏ thời gian ra đọc sách rất nhiều, việc tự học là một điều rất quan trọng. Đọc sách giúp tôi có kiến thức rộng hơn. Tự nghiền ngẫm và đặt câu hỏi sẽ giúp mình nhớ lâu. Nếu tôi vẫn chưa hiểu, tôi sẽ đặt câu hỏi và nhận được sự giải đáp từ các thầy cô, để bản thân có góc nhìn mới lạ và đa chiều hơn trong một vấn đề toán học nào đó.
Những lời khuyên “đặc biệt”
Trên giảng đường đại học, tôi tìm được một nhóm bạn. Họ đều là những người có chung đam mê toán học giống tôi và họ cũng là những người bạn rất tốt trong cuộc sống. Không chỉ những lúc vui vẻ mới ở bên nhau, mà những khi buồn chán, họ cũng là nơi giúp tôi lấy lại cân bằng sau những cuộc gặp gỡ. Có vài lần, mọi việc không được như ý muốn, tâm lý tôi thường rất buồn, cũng sẽ than thở với các bạn chỉ để nhận lời la mắng. Buồn cười là càng “chửi” nhau càng hăng say. Đôi khi tôi cảm thấy việc được “chửi” nó cũng tốt, vì chính những người thân với mình nhất sẽ giúp mình tìm ra điểm chưa tốt của mình.
Nếu có thể gửi một lời nhắn với các bạn khóa dưới, lời nhắn của tôi chính là: “Các bạn hãy cố gắng làm điều mình thích, đừng dễ dàng từ bỏ. Khi đã gọi là đam mê mà lại dễ từ bỏ, thì sẽ không còn là đam mê nữa”.
Bài viết, ảnh: Ban truyền thông – M.A.T