TIỂU BAN ĐIỆN TỬ – VIỄN THÔNG – HỘI NGHỊ KHOA HỌC LẦN THỨ 14

TIỂU BAN ĐIỆN TỬ – VIỄN THÔNG – HỘI NGHỊ KHOA HỌC LẦN THỨ 14

Sáng ngày 12 tháng 11, Tiểu ban Điện tử – Viễn thông đã chính thức được khai mạc trong khuôn khổ Hội nghị Khoa học lần thứ 14, diễn ra tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM. Sự kiện đã đón nhận sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên trong lĩnh vực Điện tử – Viễn thông, tạo cơ hội cho những người làm trong lĩnh vực này tụ họp, chia sẻ và cập nhật những tiến bộ mới nhất trong ngành.

Tiến sĩ Bùi Trọng Tú, Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, đảm nhiệm vai trò Chủ trì Tiểu ban. Trong phần khai mạc, Tiến sĩ Tú nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển công nghệ điện tử – viễn thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng những nội dung được trao đổi tại hội nghị sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Tiến sĩ Bùi Trọng Tú – Trưởng Khoa Điện tử – Viễn thông, đảm nhiệm vai trò Chủ trì Tiểu ban và phát biểu khai mạc.

Các bài báo tham gia tiểu ban phản ánh chiều sâu và sự đa dạng trong nghiên cứu, bao gồm nhiều chủ đề từ công nghệ robot tự hành, hệ thống phân bổ tài nguyên mạng cho đến ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dự đoán giá cổ phiếu.

Trong số các bài báo đáng chú ý, có nghiên cứu về “Robot tự hành bám theo hoa tiêu dựa trên kỹ thuật cảm biến khoảng cách vô tuyến băng thông siêu rộng,” cùng với những cải tiến trong hệ thống NOMA (Non-Orthogonal Multiple Access) nhằm nâng cao hiệu suất truyền tải.

Anh Lê Trung Khanh – Khoa ĐT-VT, trình bày đề tài: “Robot tự hành bám theo hoa tiêu dựa trên kỹ thuật cảm biến khoảng cách vô tuyến băng thông siêu rộng”.

Bên cạnh đó, kỹ thuật phân nhóm người dùng trong NOMA qua cơ chế học không giám sát cũng thu hút sự quan tâm của các tham dự viên.

Chị Nguyễn Thị Xuân Uyên – Khoa ĐT-VT, trình bày đề tài: “Kỹ thuật phân nhóm người dùng trong hệ thống NOMA dựa trên cơ chế học không giám sát”.

Tiểu ban còn nổi bật với các nghiên cứu mới trong lĩnh vực lập trình, bao gồm “Môi trường lập trình C bằng khối hình trên web app,” và “Thiết kế và triển khai tập lệnh AES trên kiến trúc RISC-V.” Đặc biệt, sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm trong thiết kế bộ tăng tốc phần cứng DCT cho ứng dụng Watermark mở ra nhiều triển vọng ứng dụng thực tiễn.

Anh Trần Văn Nguyên – Khoa ĐT-VT, trình bày đề tài: “Bộ tăng tốc phần cứng DCT cho ứng dụng Watermark”.

Ngoài ra, các tham dự viên cũng đã được cập nhật thông tin về những nghiên cứu tiên tiến trong lĩnh vực mạnh mẽ như “Ứng dụng phương pháp Deep Learning để ước lượng kênh truyền trong hệ thống massive MIMO” và “Phân tích hiệu năng bảo mật của hệ thống vệ tinh – mặt đất với tán xạ ngược hai chiều.” Các đề tài này không chỉ mang tính học thuật cao mà còn hứa hẹn ứng dụng thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của các hệ thống truyền thông trong tương lai.

Anh Đặng Ngọc Hoàng – Khoa ĐT-VT, trình bày đề tài: “Cải thiện hiệu năng BER cho hệ thống NOMA đường xuống bằng nút tán xạ ngược”.

Đây không chỉ đơn thuần là nơi chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm, mà còn là một sân chơi cho các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận, học hỏi và phát triển những ý tưởng sáng tạo cho tương lai.

Tiểu ban Điện tử – Viễn thông đã khép lại với nhiều ý tưởng mới mẻ và tiềm năng, mở ra hướng phát triển tích cực cho nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực này. Sự kiện đã thành công trong việc tạo ra một không gian giao lưu học thuật, thúc đẩy sự hợp tác, đổi mới và sáng tạo trong cộng đồng khoa học công nghệ Việt Nam.

Các đề tài nghiên cứu được trình bày tại Tiểu ban.

ℙ𝕄ℕ