Một nghiên cứu tiềm năng ứng dụng cao trong lĩnh vực vật liệu y sinh vừa được Hội đồng nghiệm thu đề tài KH&CN cấp ĐHQG-HCM thông qua ngày 21 tháng 4:
Đề tài khoa học “Nghiên cứu tạo màng phủ vết thương từ protein tơ tằm kết hợp dược chất cổ truyền” do ThS. Đoàn Nguyên Vũ (Phó Trưởng Bộ môn Sinh lý học – Công nghệ Sinh học Động vật, Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM) làm chủ nhiệm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bỏng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và thương tật do tai nạn, đặc biệt tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Thống kê toàn cầu cho thấy, mỗi năm có khoảng 180.000 ca tử vong do bỏng, và bỏng cùng với tai nạn giao thông và đuối nước luôn nằm trong nhóm nguyên nhân chính dẫn đến thương tích nghiêm trọng (WHO, 2024).
Xuất phát từ nhu cầu phát triển các vật liệu y sinh hiệu quả – an toàn – thân thiện với sinh học, nhóm nghiên cứu đã sử dụng fibroin (protein từ tơ tằm) hòa tan trong acid formic 88%, kết hợp với bột nghệ và dầu thiên nhiên, tạo thành màng sinh học hỗ trợ tái tạo mô trong điều trị vết bỏng.

Kiểm chứng khoa học nghiêm ngặt
Các đặc tính nổi bật của vật liệu mới được kiểm chứng trong quá trình nghiên cứu gồm:
– Cơ tính tốt: độ bền kéo cao, linh hoạt, phù hợp với đặc tính da sinh học;
– Khả năng giữ ẩm, hỗ trợ quá trình làm lành vết thương;
– Tính kháng khuẩn – kháng nấm, góp phần ngăn ngừa nhiễm trùng;
– Phân hủy sinh học tự nhiên, không gây độc tế bào;
– Độ an toàn tiền lâm sàng cao, phù hợp với môi trường sinh học sống.
Tiềm năng ứng dụng
– Ứng dụng trong điều trị bỏng nông và vết thương da thông thường;
– Quy trình sản xuất dễ triển khai, sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước;
– Thân thiện với môi trường và cơ thể người, phù hợp với xu hướng y tế xanh hiện đại.

Những kết quả đạt được từ đề tài đã mở ra triển vọng phát triển các vật liệu sinh học thế hệ mới, hướng tới những ứng dụng y sinh an toàn, bền vững và thiết thực. Việc kết hợp hài hòa giữa nguồn nguyên liệu tự nhiên truyền thống và công nghệ vật liệu sinh học hiện đại thể hiện cách tiếp cận mới mẻ và đầy tiềm năng của nhóm nghiên cứu, không chỉ có ý nghĩa học thuật mà còn đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
PMN
Nguồn tham khảo: World Health Organization (WHO). (2024). Burns: Key facts. Retrieved from https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/burns