TỌA ĐÀM GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ THẢO CHƯƠNG TRÌNH GIÁO SƯ THỈNH GIẢNG TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sáng ngày 7 tháng 2, tại Hội trường I, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” và “Dự thảo Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng” do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) tổ chức.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM, GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, cùng nhiều lãnh đạo, đại diện lãnh đạo và đại diện Khoa, Phòng, Ban từ các đơn vị trong hệ thống ĐHQG-HCM.

Mở đầu buổi tọa đàm, PGS. TS. Vũ Hải Quân đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu. Ông khẳng định rằng việc áp dụng Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo mới sẽ bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của các cá nhân, tập thể và các tổ chức, đồng thời đảm bảo công bằng cho những người có cống hiến và thúc đẩy lợi ích cho đất nước. PGS. TS. Vũ Hải Quân cũng đề cập đến ý nghĩa của Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng và kỳ vọng của ĐHQG-HCM sẽ mời và bổ nhiệm 100 giáo sư trong giai đoạn 2025-2030, trong đó có 50 giáo sư cho các năm 2025 và 2026.

PGS. TS. Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.

Chương trình tọa đàm bắt đầu với bài trình bày của TS. Thái Thị Tuyết Dung – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế ĐHQG-HCM về “Báo cáo về một số nội dung chính của dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo”. Nhiều quy định mớiquy định bổ sung đã được đề xuất nhằm nâng cao tính công chính, cũng như điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Các quy định đề cập bao gồm việc đổi tên luật, điều chỉnh phạm vi và bố cục, làm rõ khái niệm “đổi mới sáng tạo”, và bổ sung các quy định về tổ chức khoa học công nghệ, nhân lực, quyền của cá nhân trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cũng như các quy định về đạo đức nghiên cứu. Đặc biệt, dự thảo còn đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và quy định về phòng thí nghiệm, thiết bị nghiên cứu dùng chung. Ngoài ra, các chính sách mới nhằm phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao nhận thức về đổi mới tư duy và hoàn thiện thể chế cũng được nhấn mạnh, với mục tiêu tạo động lực mới cho sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

TS. Thái Thị Tuyết Dung – Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Thanh tra – Pháp chế ĐHQG-HCM trình bày “Báo cáo về một số nội dung chính của dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo”.

Tiếp theo, PGS. TS. Lâm Quang Vinh – Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM tiếp tục với “Báo cáo tổng hợp góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo”, ghi nhận nhiều ý kiến tích cực từ phiếu khảo sát của ĐHQG-HCM nhằm hoàn thiện dự thảo luật. Tinh thần tích cực và tâm huyết của các đại biểu thể hiện rõ qua những ý kiến đóng góp, nhằm tạo ra một khung pháp lý phù hợp cho sự phát triển khoa học và công nghệ trong tương lai.

PGS. TS. Lâm Quang Vinh – Trưởng ban Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM trình bày “Báo cáo tổng hợp góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo”.

Cuối cùng, TS. Lê Thị Anh Trâm – Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ ĐHQG-HCM đã trình bày về “Báo cáo dự thảo Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”. Chương trình hướng tới đối tượng là các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý xuất sắc từ các tổ chức quốc tế và trong nước; những con người có hoài bão, khát vọng và mong muốn đóng góp vào sự phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, cũng như đổi mới sáng tạo cho ĐHQG-HCM nói riêng và Đất nước nói chung. Mục tiêu của chương trình là triển khai nhanh chóng Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19-NQ/ĐU của ĐHQG-HCM nhằm thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc cũng như các nhà khoa học hàng đầu.

TS. Lê Thị Anh Trâm – Trưởng ban Ban Tổ chức – Cán bộ ĐHQG-HCM trình bày “Báo cáo dự thảo Chương trình Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh”.
Ban chủ trì Phiên thảo luận với GS. TS. Nguyễn Thị Thanh Mai là chủ tọa.

Buổi tọa đàm đã khép lại với những thảo luận sôi nổi, thể hiện sự cam kết và quyết tâm của cộng đồng khoa học và công nghệ trong việc xây dựng một môi trường nghiên cứu và phát triển bền vững. Các ý kiến đóng góp sẽ được tổng hợp và xem xét để hoàn thiện các dự thảo luật và chương trình, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Một trong các đại biểu tham dự tham gia đóng góp ý kiến.
Một trong các đại biểu tham dự tham gia đóng góp ý kiến.

ℙ𝕄ℕ

Leave a Reply