Tọa đàm Lấy ý kiến Đề án phát triển ngành Toán

Chiều 12/6, Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi tọa đàm lấy ý kiến cho Đề án phát triển ngành Toán – một bước đi cụ thể nằm trong khuôn khổ Đề án phát triển ngành Toán tại ĐHQG-HCM đạt trình độ tiên tiến, ngang tầm khu vực và thế giới, giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn đến 2045.

Toàn cảnh buổi tọa đàm góp ý Đề án phát triển ngành Toán giai đoạn 2025–2030, tầm nhìn đến 2045.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của PGS. TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Nhà trường, GS.TS. Nguyễn Trung Nhân – Phó Hiệu trưởng, Ban lãnh đạo khoa Toán – Tin học, Trưởng và đại diện Trưởng các bộ môn và các thầy cô giảng viên – cán bộ chuyên môn của Khoa Toán – Tin học, theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Mở đầu chương trình, TS. Võ Đức Cẩm Hải – Phó Trưởng khoa Toán – Tin học trình bày báo cáo tổng hợp, trong đó phân tích rõ bức tranh hiện tại của ngành Toán tại Trường và trong hệ thống ĐHQG-HCM, trên cơ sở dữ liệu cụ thể.

PGS.TS. Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM – phát biểu định hướng tại buổi tọa đàm.

Một số điểm nổi bật trong báo cáo:

Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM hiện là đơn vị có quy mô lớn nhất trong hệ thống, với khoảng 1.400 sinh viên thuộc các ngành: Toán học, Toán ứng dụng, Toán tin, Khoa học dữ liệu, Thống kê, và 100 sinh viên chương trình Cử nhân tài năng Toán học;

– Trường đồng thời dẫn đầu về số lượng chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực Toán trong toàn ĐHQG-HCM;

– Báo cáo cũng đề cập đến xếp hạng ngành Toán của ĐHQG-HCM trên thế giới, so sánh giữa các đơn vị thành viên, cùng các vấn đề trọng yếu như đội ngũ giảng viên – nghiên cứu viên, chất lượng và số lượng công bố quốc tế (đặc biệt nhóm Q1), cơ chế tài chính, lương bổng và bài toán giữ chân nhân lực chất lượng cao.

TS. Võ Đức Cẩm Hải – Phó Trưởng khoa Toán – Tin học – trình bày báo cáo tổng hợp, phân tích hiện trạng và tiềm năng phát triển của ngành Toán trong hệ thống ĐHQG-HCM.

Phần thảo luận tiếp nối báo cáo đã mở ra nhiều phân tích chiều sâu, phản ánh tính cấp thiết và thực tiễn của đề án. Từ góc nhìn của những người trực tiếp đảm trách hệ sinh thái đào tạo – nghiên cứu của ngành Toán, các thầy cô đã đặt vấn đề không chỉ ở quy mô hay chỉ số, mà ở tính khả thi và tính bền vững trong vận hành. Góp ý được phân tầng theo cấu trúc rõ ràng: từ nhận diện những nút thắt trong tổ chức đào tạo và hoạt động nghiên cứu, đến đề xuất các điều chỉnh ở cấp độ chương trình và kiến nghị chiến lược phát triển dài hạn. Nhiều ý kiến nhấn mạnh yêu cầu xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, cơ chế phối hợp liên cấp, và các điều kiện đảm bảo sự ổn định lâu dài – cả về học thuật lẫn nguồn lực.

Giảng viên Khoa Toán – Tin học (trực tiếp và online) cùng thảo luận về các nút thắt trong đào tạo – nghiên cứu và đề xuất các kiến nghị chiến lược cho Đề án phát triển ngành.

Một nguyên tắc xuyên suốt buổi tọa đàm được nhiều người đồng tình và nhấn mạnh:

Góp ý phải phù hợp với tình hình thực tế, thực trạng ngành Toán của Trường, của ĐHQG-HCM và trong nước.

Đây không đơn thuần là một lưu ý, mà là một nguyên tắc định hướng trong cách tiếp cận và xây dựng đề án – nhằm bảo đảm mọi mục tiêu chiến lược đều được đặt trên nền tảng thực tiễn, tránh sa vào hình thức hoặc xa rời bối cảnh cụ thể.

Buổi tọa đàm kết thúc với thống nhất rằng các ý kiến sẽ được tổng hợp, rà soát và chắt lọc để phục vụ cho việc xây dựng nội dung hoàn chỉnh của đề án. Khoa Toán – Tin học sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ trì, triển khai các bước tiếp theo trong quá trình phát triển chiến lược ngành, trong đó bảo đảm gắn kết giữa mục tiêu tầm xa và hiện thực điều kiện tại chỗ.