Sáng 12/4/2025, Giảng đường 1, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã trở thành điểm hẹn công nghệ khi diễn ra talkshow “Trí tuệ nhân tạo và xu hướng công nghệ”. Đây là hoạt động mở đầu cho “Diễn đàn Khoa học – Doanh nghiệp và Đổi mới sáng tạo lần II” (FIIS 2025), trong khuôn khổ “Ngày kết nối Cộng đồng Cựu sinh viên Khoa học – Alumni Day 2025”.
Talkshow tập trung trao đổi về những tác động và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực của đời sống hiện đại. Từ học tập, nghiên cứu khoa học, hoạt động doanh nghiệp đến các nền tảng dịch vụ số, công nghệ này đang góp phần thay đổi phương thức tiếp cận thông tin, xử lý công việc và triển khai các hoạt động chuyên môn.

Công nghệ AI hiện đại – Giải pháp mới cho việc lưu giữ giá trị truyền thống Việt Nam
“Ứng dụng chuyển chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)” là công trình nghiên cứu tâm huyết suốt hơn 20 năm của PGS.TS Đinh Điền – Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ Tính toán, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM. Từ việc tự tìm kiếm, thu thập và nhập liệu thủ công các văn bản Hán Nôm, đến giai đoạn công nghệ học máy phát triển mạnh mẽ, nguồn dữ liệu quý giá này đã trở thành nền tảng để đào tạo hệ thống AI có khả năng nhận diện, chuyển đổi và hỗ trợ dịch tự động văn bản xưa. Công trình không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hoá mà còn mở ra khả năng tiếp cận di sản thuận tiện hơn cho cộng đồng, khi người dùng có thể dễ dàng tra cứu văn bản, thậm chí nhận diện chữ ngay từ ảnh chụp tại các không gian di sản.

“Việt Nam sở hữu kho tàng di sản khổng lồ với hàng nghìn năm lịch sử, nhưng phần lớn các giá trị tri thức ấy vẫn chưa được số hoá đầy đủ. Điều này khiến AI dù đã có nhiều khả năng xử lý ngôn ngữ, nhưng lại thiếu nguồn dữ liệu phong phú để tiếp tục học hỏi, hoàn thiện và phục vụ tốt hơn cho cộng đồng” – PGS.TS Đinh Điền khẳng định.
Do đó, việc khai thác kho tàng tri thức Việt Nam bằng công nghệ không chỉ dừng lại ở bảo tồn, mà còn là hành trình vận động cộng đồng – đặc biệt là giới trẻ – cùng tham gia vào công cuộc số hoá di sản. Càng nhiều dữ liệu được xử lý và đưa lên môi trường số, AI càng có thêm “nguyên liệu” để học, để hiểu và để đưa di sản đến gần hơn với thế hệ hôm nay.
Trí tuệ nhân tạo – Trợ lý mới trong học tập và nghiên cứu khoa học
PGS.TS. Quản Thành Thơ – Trưởng Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường ĐH Bách Khoa, ĐHQG-HCM – cho rằng AI đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong môi trường giáo dục.
“AI không chỉ được ứng dụng trong quản lý giáo dục mà còn ngày càng trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học. Với người dạy và người học, việc vận dụng AI hiệu quả có thể bắt đầu từ những điều rất cơ bản như gợi ý cách ra đề, hướng dẫn tìm kiếm và chọn lọc tài liệu phù hợp, tra cứu thông tin nhanh chóng nhưng vẫn đảm bảo hiểu đúng, hiểu sâu vấn đề.” ông nhận định.

AI không thay thế hoàn toàn quá trình học, mà đóng vai trò như một “trợ lý thông minh” giúp cá nhân hóa cách học, gợi mở ý tưởng, tiết kiệm thời gian xử lý dữ liệu để người học có thêm điều kiện tập trung vào phân tích, sáng tạo và phát triển tư duy. Khi biết cách khai thác công cụ đúng mục đích, người học và người dạy không chỉ tạo ra giá trị mới cho quá trình học tập – nghiên cứu mà còn góp phần làm giàu thêm kho dữ liệu, giúp AI ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn.

Làm việc với AI – Học cách “thiết kế” thay vì chỉ sử dụng

Từ kinh nghiệm thực tiễn trong nghiên cứu và phát triển AI tại xAI, TS. Phạm Hy Hiếu nhấn mạnh: người làm việc với AI trong tương lai không chỉ là người sử dụng công cụ có sẵn, mà còn là người thiết kế nên nó.
Theo ông, làm việc hiệu quả với AI là hiểu bài toán, xác định đúng dữ liệu đầu vào, định hướng cách xử lý và chủ động thiết kế đầu ra phù hợp với yêu cầu thực tế. AI càng mạnh, con người càng cần vai trò định hướng, kiểm soát và thiết kế đúng đắn.
Nghiên cứu và ứng dụng AI – Cần tiếng nói chung giữa nhà trường và doanh nghiệp
Từ phía doanh nghiệp, ông Phạm Kim Long – Giám đốc AI và Big Data, MoMo – cho biết: quá trình đưa AI vào thực tế không hề đơn giản. Việc triển khai thường đi kèm với thử nghiệm, điều chỉnh, thậm chí thất bại trước khi đạt kết quả như mong muốn. Để ứng dụng thành công, doanh nghiệp phải hiểu rõ dữ liệu mình có, vấn đề mình cần giải quyết và đối tượng mình phục vụ.

TS. Châu Thành Đức bổ sung thêm góc nhìn từ phía nhà khoa học: Việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố cốt lõi để AI đi vào thực tiễn. Nghiên cứu học thuật cần thời gian, trong khi doanh nghiệp mong muốn hiệu quả nhanh chóng – điều này đòi hỏi hai bên cần có tiếng nói chung, điều chỉnh kỳ vọng và cùng hướng đến mục tiêu chung.
Công nghệ phát triển nhanh – Câu chuyện trách nhiệm và đạo đức còn bỏ ngỏ
AI mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang theo không ít thách thức, đặc biệt là những câu hỏi về tính đạo đức, trách nhiệm và hành lang pháp lý.
PGS.TS Quản Thành Thơ đã nêu một ví dụ rất thực tế: nếu một chiếc xe tự lái gây ra tai nạn, thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm – người thiết kế, người lập trình, doanh nghiệp hay người sử dụng? Đây không chỉ là bài toán kỹ thuật mà còn là vấn đề pháp luật và đạo đức đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Thực tế cho thấy, công nghệ phát triển quá nhanh so với hành lang pháp lý. Những vấn đề như bản quyền, sở hữu trí tuệ, trách nhiệm pháp lý khi sử dụng AI hay bảo vệ dữ liệu cá nhân đều đang đặt ra nhiều câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.

Nhiều góc nhìn – Một tương lai rộng mở
Góc nhìn đa chiều từ các chuyên gia đầu ngành tại talkshow không chỉ phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo, mà còn đặt ra nhiều vấn đề cần suy ngẫm – từ bảo tồn di sản, giáo dục, nghiên cứu đến doanh nghiệp.
AI đang dần hiện diện trong mọi mặt đời sống và sẽ tiếp tục đặt con người trước những lựa chọn: học cách thích ứng, dẫn dắt, hay bị bỏ lại phía sau.
TMT
Leave a Reply
You must be logged in để gửi bình luận.