Triển khai chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030

Triển khai chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030

Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22/12/2020 tại Quyết định số 2200/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình) với mục tiêu phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt.

Là một trong những trường đại học đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản hàng đầu quốc gia, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM nhận thức được vai trò, sứ mệnh hạt nhân trong việc thúc đẩy và phát triển Toán học Việt Nam.

Sáng ngày 02/12/2021 Nhà trường đã có buổi làm việc về chủ đề triển khai Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 – 2030. Chương trình có sự tham dự của Giám đốc, Bí thư Đảng uỷ ĐHQG-HCM: PGS.TS Vũ Hải Quân cùng giảng viên, cán bộ các Trường thành viên, Phòng, Ban trực thuộc ĐHQG-HCM và một số chuyên gia từ các Đại học khác tại Tp.Hồ Chí Minh.

PGS.TS. Lâm Quang Vinh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ ĐHQG-HCM trình bày Báo cáo tổng quan về mục đích, định hướng, các nhiệm vụ khoa học cụ thể thuộc lĩnh vực Toán học theo công văn chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó nhấn mạnh hai nội dung chính:

Một là, thành lập một trung tâm xuất sc về Toán học và Khoa học dữ liệu thuộc ĐHQG-HCM do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên,ĐHQG-HCM trực tiếp phụ trách. Trong đó lưu ý các tiêu chí về công bố, về công trình khoa học xuất sắc.

Hai là thực hiện các nhiệm vụ về Đề án khung “Triển khai chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 2030”.

Trong năm 2021, Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đã có 64 công bố SCIE theo CSDL MathSciNet. Dựa trên những thành quả đạt được, PGS.TS Lý Kim Hà và TS. Hoàng Văn Hà đại diện Tổ xây dựng đề án phát triển Khoa Toán – Tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM đề xuất mục tiêu đưa Khoa Toán – Tin, Ngành Toán học Nhà trường lọt vào Top 400 thế giới, trong đó chú trọng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học (công bố SCIE); thành lập Quỹ Nghiên cứu Toán học; chú trọng vấn đề bản quyền Mathlab, MathSciNet; đảm bảo nguồn ngân sách cho nghiên cứu sau tiến sĩ và giáo sư thỉnh giảng; xây dựng cơ chế TS, GS danh dự của ĐHQG-HCM v.v.. PGS.TS Kim Hà cho rằng cần thực hiện hiệu quả đề án 89 để đảm bảo nguồn kinh phí, thực hiện đào tạo (30 NCS Toán/năm), tổ chức các hoạt động như: ngày hội Toán học, trường hè, các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ giảng dạy toán cho giáo viên phổ thông v.v..

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS. TS. Vũ Hải Quân chỉ đạo cần nâng cao năng lực nghiên cứu, không gian nghiên cứu, số lượng và chất lượng đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ Toán học nhằm cung cấp đội ngũ những nhà nghiên cứu xuất sắc.

PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM chia sẻ về bề dày truyền thống nghiên cứu và đào tạo lĩnh vực Toán – Tin của Nhà trường. Hiệu trưởng Quan bày tỏ những khó khăn về thu nhập khiến thời gian gần đây nhiều nhà khoa học đã rời đi. Lãnh đạo Nhà trường cam kết sẽ có các giải pháp để nâng cao đời sống thu nhập; nâng cao chất lượng đầu vào cho các ngành liên quan Toán như Khoa học dữ liệu, Toán ứng dụng, Toán – Tin. Nhà trường sẽ phối hợp với Đại học An Giang mở ngành Toán sư phạm; phát triển quy chế khen thưởng công bố quốc tế v.v.. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM cũng sẽ tích cực để triển khai thành công Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học tại ĐHQG-HCM.

PGS. TS Nguyễn Thời Trung – Viện trưởng Viện Khoa học tính toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói về thực tại Toán ứng dụng và Toán công nghiệp ở Việt Nam đang đi sau và xa nhu cầu xã hội. Việc đào tạo đang thiếu hụt về số lượng và chất lượng. PGS.TS Trung cho rằng Việt Nam nên đào tạo chương trình thạc sĩ toán công nghiệp. Viện Khoa học Tính toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng ủng hộ đề án phát triển toán ứng dụng và rất mong mỏi, sẵn sàng hợp tác với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM.

TS. Phạm Hoàng Uyên, Trưởng Khoa Toán Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế – Luật cho rằng ngành Toán vẫn đang phát triển nhưng chưa thực sự song hành với nhu cầu xã hội, chưa rõ đối tượng liên quan và đối tượng phục vụ. TS. Uyên cho rằng Toán nếu đứng một mình thì khó phát triển, cần liên kết với các ngành khác và với khụ vực doanh nghiệp tư nhân.

Đại diện Trường Đại học An Giang, ĐHQG-HCM cho rằng cần phát triển Toán học để giải quyết nhiều bài toán cho xã hội và nâng cao chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trẻ.

Nhiều nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý khác đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi thảo luận về các nhiệm vụ để nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và thế giới; mong muốn đưa Toán học nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo tương xứng tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghệ lần thứ tư.

Tin HCMUS & Toán – Tin.