Trường Đại học Khoa học tự nhiên đạt 03 giải tại Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2025

Tối 1/7, tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 – năm 2025, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM vinh dự được trao 01 giải Nhì và 02 giải Ba, ghi nhận nỗ lực và thành tựu nổi bật trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện các nhóm tác giả lĩnh vực Khoa học kỹ thuật nhận giải tại Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM 2025, với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM có 03 công trình được vinh danh.

Giải Nhì được trao cho công trình “Ứng dụng công nghệ cô đặc tiểu cầu trong tái tạo nội mạc tử cung” của nhóm nghiên cứu gồm: PGS.TS Trần Lê Bảo Hà, TS. Lê Thị Vĩ Tuyết (Trường Đại học Khoa học tự nhiên); PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, ThS. Hoàng Thị Thùy Trang (Bệnh viện Hùng Vương).

Công trình nổi bật bởi tính đột phá và ứng dụng cao, mở ra hy vọng mới cho những phụ nữ gặp khó khăn trong hành trình làm mẹ. Bằng cách sử dụng PRF lysate – chế phẩm sinh học chiết tách từ chính máu người bệnh, các bác sĩ đã thành công trong việc phục hồi lớp nội mạc tử cung – yếu tố sống còn giúp phôi thai bám vào và phát triển.

PGS.TS. Trần Lê Bảo Hà – Trưởng Bộ môn Sinh lý học – CNSH Động vật, Khoa Sinh học – CNSH, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM tại sự kiện

Hai công trình đạt giải Ba gồm:

Công trình “Giải pháp tăng cường độ linh động hạt tải trong lớp điện cực trong suốt”, do nhóm nghiên cứu của Phòng Thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao thực hiện, gồm: TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, PGS.TS Trần Cao Vinh và ThS. Hoàng Văn Dũng.

Trong bối cảnh vật liệu bán dẫn được xác định là một trong các công nghệ lõi trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, TS Phạm Thanh Tuấn Anh – phó trưởng Phòng thí nghiệm vật liệu kỹ thuật cao, Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) – cho biết việc làm chủ các vật liệu đầu vào, đặc biệt là các lớp dẫn điện trong suốt, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Nhóm nghiên cứu đã đưa vào các nguyên tố tạp chất như hydro, indi, nhôm, galli, flo, clo vào cấu trúc ZnO nhằm tối ưu hóa độ linh động hạt tải mà không ảnh hưởng đến độ trong suốt quang học.

TS. Phạm Thanh Tuấn Anh – Phó trưởng Phòng Thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM – đại diện nhóm nghiên cứu nhận Giải Ba cho công trình về vật liệu điện cực trong suốt.

Công trình “Mảng tích hợp trở nhớ – diode cho ứng dụng mạng thần kinh nhân tạo thế hệ mới”, do nhóm nghiên cứu Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu thực hiện, gồm: PGS.TS Phạm Kim Ngọc, ThS. Phạm Phú Quân và sinh viên Trần Thúy Anh, Võ Văn Anh Tài.

Công trình mang tính đột phá này đề xuất một kiến trúc chíp tích hợp memristor–diode, sử dụng vật liệu màng mỏng Crôm oxit (CrOx) chế tạo bằng kỹ thuật phún xạ magnetron DC. Đây là thiết bị sở hữu đồng thời đặc tính tự chỉnh lưu của diode và khả năng chuyển đổi điện trở liên tục – nền tảng cho trí tuệ nhân tạo mô phỏng synapse sinh học. Công trình không chỉ tạo được mảng chíp 8-bit với 256 ô nhớ tích hợp mà còn đóng góp quan trọng vào việc phát triển phần cứng AI tiết kiệm năng lượng, mở đường cho thế hệ mạng thần kinh nhân tạo mới.

PGS.TS Phạm Kim Ngọc chia sẻ: “Giải thưởng là sự ghi nhận quý báu đối với quá trình nghiên cứu lâu dài của nhóm, đồng thời là động lực để chúng tôi tiếp tục theo đuổi những hướng đi công nghệ mang tính đột phá.”

PGS.TS. Phạm Kim Ngọc – Trưởng Bộ môn Vật liệu Nano & Màng mỏng, Khoa Khoa học và Công nghệ vật liệu, Trường ĐH KHTN, ĐHQG-HCM – đại diện nhóm tác giả nhận Giải Ba với công trình về mảng tích hợp trở nhớ – diode ứng dụng trong AI.
Các giảng viên, nhà khoa học của Trường tham dự Lễ công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ 4 – 2025.

Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM năm 2025 không chỉ là sự ghi nhận cho các công trình khoa học có giá trị ứng dụng cao, mà còn là minh chứng cho tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng của đội ngũ giảng viên, nhà khoa học.

Những công trình được vinh danh năm nay tiếp tục khẳng định cam kết của Trường trong việc góp phần tạo lập nền tảng tri thức, thúc đẩy công nghệ và phát triển nguồn lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của Thành phố cũng như cả nước trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập toàn cầu.