Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 28 năm 2025, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tiếp tục khẳng định vị thế tiên phong trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với 4 công trình đạt giải, cùng sự ghi nhận dành cho một nhà khoa học tiêu biểu của Trường.

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM lần thứ 28, tổ chức trong năm 2025, là sân chơi uy tín nhằm tôn vinh các công trình nghiên cứu ứng dụng, giải pháp kỹ thuật tiêu biểu trên địa bàn Thành phố. Trong kỳ thi năm nay, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã đạt được thành tích ấn tượng với 04 đề tài xuất sắc được vinh danh, bao gồm 03 Giải Ba và 01 Giải Khuyến khích ở các lĩnh vực then chốt như y tế, công nghệ thông tin, điện tử – viễn thông.
Cụ thể, ở lĩnh vực Y tế, nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học gồm GS.TS Trần Văn Hiếu, ThS. Lê Khánh Thiên, ThS. Trần Nguyễn Thu Minh và CN. Nguyễn Thị Lệ Giang đã xuất sắc giành Giải Ba với công trình “Hạt nano và màng mỏng hydrogel từ polymer tương hợp sinh học kết hợp nhân tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF-2) để điều trị bỏng cấp độ 3”. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ sinh học tiên tiến nhằm hỗ trợ điều trị vết bỏng nghiêm trọng, mở ra tiềm năng ứng dụng lâm sàng trong tương lai.

Lĩnh vực Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông ghi nhận hai công trình đạt Giải Ba, thể hiện thế mạnh và tiềm lực khoa học công nghệ của Nhà trường. Trong đó, công trình “Kết hợp đặc trưng cục bộ và toàn cục với học tương phản và giám sát sâu cho bài toán phân đoạn khối u” hướng đến giải pháp hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh y tế chính xác, do cử nhân Khoa Công nghệ thông tin Nguyễn Mậu Trọng Hiếu và Phù Thị Kim Trang thực hiện dưới sự hướng dẫn của ThS. Nguyễn Hải Đăng. Công trình “DermAI – Trợ lý chatbot cho chẩn đoán tổn thương da sử dụng mô hình thị giác và ngôn ngữ lớn”, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên tiến trong y học, đến từ Phòng thí nghiệm Công nghệ Phần mềm gồm ThS. Huỳnh Viết Thám và ThS. Nguyễn Trọng Thuận.

Bên cạnh đó, giải pháp “Hệ thống thiết kế ý tưởng thông minh” của nhóm tác giả CN. Võ Đình Khôi và CN. Nguyễn Hoàng Phúc, dưới sự hướng dẫn của TS. Lê Trung Nghĩa (Khoa Công nghệ thông tin), cũng được trao Giải Khuyến khích, cho thấy nỗ lực trong việc tạo ra công cụ hỗ trợ sáng tạo và phát triển ý tưởng trong môi trường kỹ thuật số.

Đặc biệt, tại buổi lễ trao giải, GS.TS. Trần Linh Thước – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Giảng viên cao cấp Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Thành viên Hội đồng Trường, đã được trao Bằng khen “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024”, ghi nhận những đóng góp to lớn của thầy cho sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy và phát triển khoa học công nghệ của Thành phố.

Thành tích nổi bật tại Hội thi năm nay tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của Trường Đại học Khoa học tự nhiên trong hệ thống giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học tại TP.HCM nói riêng, cả nước nói chung. Các công trình không chỉ mang giá trị học thuật mà còn hướng đến ứng dụng thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội trong kỷ nguyên số và y sinh hiện đại.
Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật TP.HCM là hoạt động thường niên do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức, nhằm khuyến khích tinh thần sáng tạo, phát hiện và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật hiệu quả vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội Thành phố. Năm nay, Ban Tổ chức đã tuyển chọn 145 hồ sơ có chất lượng chuyên môn cao, thuộc 6 lĩnh vực: Y tế; Công nghệ sinh học – nông nghiệp; Công nghệ hóa – môi trường – vật liệu; Cơ khí – tự động hóa; Điện tử – CNTT; Giáo dục – hướng nghiệp. Kết quả, 32 đề tài/giải pháp đã được trao giải, gồm: 03 Giải Nhì, 17 Giải Ba và 12 Giải Khuyến khích.
Nguồn ảnh: Tổng hợp