TS Trương Trung Kiên: Nhà khoa học với khát vọng phụng sự và kiến tạo cho thế hệ kỹ sư tương lai của Việt Nam

Là một trong những gương mặt tiêu biểu của Chương trình VNU350 do ĐHQG-HCM triển khai, TS Trương Trung Kiên đã chọn gắn bó với Trường ĐH Khoa học tự nhiên – nơi anh tiếp tục hành trình phụng sự khoa học và đào tạo thế hệ kỹ sư tương lai. Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp bang Texas (Hoa Kỳ), sở hữu nhiều bằng sáng chế cùng kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu quốc tế, TS Kiên mang theo khát vọng kiến tạo môi trường học thuật hiện đại, nơi kết nối giữa nghiên cứu và thực tiễn được đặt lên hàng đầu. Với sự đồng hành của những nhà khoa học như TS Kiên, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.

Nhà khoa học trẻ tiêu biểu

TS Trương Trung Kiên tốt nghiệp Tiến sĩ Kỹ thuật Điện và Máy tính tại Đại học Tổng hợp bang Texas (Hoa Kỳ). Anh từng là Trưởng bộ môn Kỹ thuật tại Trường Đại học Fulbright Việt Nam, nơi anh dẫn dắt xây dựng chương trình Cử nhân Kỹ thuật Vị nhân sinh – một mô hình tiên phong tích hợp kỹ thuật với tư duy nhân văn và đổi mới sáng tạo, mở ra một hướng đi mới cho giáo dục kỹ thuật tại Việt Nam. Trong suốt hành trình nghiên cứu, TS Kiên là tác giả của năm bằng sáng chế được cấp tại Hoa Kỳ, liên quan đến công nghệ nền tảng cho mạng 4G và 5G, đồng thời sở hữu nhiều công trình công bố trên các tạp chí và hội thảo quốc tế uy tín, từng được trao các giải thưởng “Bài báo xuất sắc nhất”. Năm 2015, anh được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh là một trong những nhà khoa học trẻ tiêu biểu dưới 35 tuổi.

“Khát vọng lớn nhất của tôi là được đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đặc biệt là nuôi dưỡng thế hệ kỹ sư và học giả tài năng tiếp theo của Việt Nam” – TS Trương Trung Kiên chia sẻ

Với TS Trương Trung Kiên, những thành tích ấy chỉ là bước đệm cho khát vọng được đóng góp thiết thực cho quê hương. Anh thẳng thắn chia sẻ: “Dù có nhiều năm học tập và làm việc tại Hoa Kỳ, tôi luôn tâm huyết với việc thúc đẩy sự phát triển học thuật tại Việt Nam. Khát vọng lớn nhất của tôi là được đóng góp vào sự phát triển của đất nước và đặc biệt là nuôi dưỡng thế hệ kỹ sư và học giả tài năng tiếp theo của Việt Nam”. Chính khát vọng ấy đã thôi thúc TS Kiên đồng hành cùng Chương trình VNU350 của ĐHQG-HCM – một chương trình mà theo anh, có tầm nhìn chiến lược, được khởi động đúng thời điểm khi Việt Nam đang trên đà vươn mình mạnh mẽ trong các lĩnh vực khoa học công nghệ.

TS Kiên đánh giá cao cách tiếp cận toàn diện của VNU350. Cụ thể, Chương trình không chỉ thu hút nhân tài bằng các chính sách đãi ngộ, mà còn tạo dựng môi trường tự chủ, năng động, nơi các nhà khoa học có thể tạo ra tác động thực sự. Chương trình VNU350 là “bệ phóng” để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có khả năng giải quyết những bài toán lớn của quốc gia, đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế. Với TS Kiên, đây chính là chất xúc tác để ĐHQG-HCM khẳng định vai trò đầu tàu học thuật, công nghệ của khu vực.

Kế hoạch hành động cụ thể về giảng dạy và nghiên cứu

Hiện tại, TS Trương Trung Kiên là giảng viên lĩnh vực Công nghệ bán dẫn và Vi mạch tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Trở thành một thành viên của VNU350, TS Kiên bày tỏ bản thân mang theo kế hoạch hành động cụ thể, vừa cho giảng dạy vừa cho nghiên cứu. Ở lĩnh vực đào tạo, TS Kiên mong muốn lan tỏa phương pháp giáo dục hiện đại: học qua trải nghiệm, học qua dự án, tích hợp chặt chẽ với thực tiễn doanh nghiệp, rèn luyện tư duy thiết kế và tư duy hệ thống. “Tôi mong các môn học không chỉ dừng ở kiến thức mà còn truyền cảm hứng đổi mới, mở rộng hợp tác, trao đổi sinh viên quốc tế để sinh viên Việt Nam sớm hòa nhập và tự tin trong môi trường toàn cầu”.

TS Trương Trung Kiên đang trò chuyện với các bạn sinh viên trong một sự kiện giới thiệu về nhóm ngành STEM.

Ở lĩnh vực nghiên cứu, TS Trương Trung Kiên hướng đến xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung vào hai trụ cột: giải pháp hiệu năng cao cho mạng 6G theo chuẩn ORAN và hệ thống IoT tích hợp trí tuệ nhân tạo ở vùng biên (Edge AI). Mục tiêu cuối cùng của TS Kiên là tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nghiên cứu hàn lâm và công nghiệp, để các thành quả khoa học nhanh chóng đi vào cuộc sống, phục vụ cộng đồng.

Tầm nhìn của TS Kiên gắn liền với chiến lược dài hạn của đất nước. Anh nhấn mạnh mong muốn góp sức thực hiện “Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, đồng thời cùng ĐHQG-HCM biến mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực thành hiện thực. Kế hoạch 5 năm của anh gồm nhiều mũi nhọn kết nối chặt chẽ giữa các nội dung như: nghiên cứu các giải pháp cho mạng 6G và ORAN, phát triển hệ thống IoT tối ưu năng lượng, xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bằng cách kết nối giữa đại học – doanh nghiệp – quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Workshop về Tư duy Thiết kế (Design Thinking) và Tư duy Hệ thống (Systems Thinking) cho các bạn học viên tham dự Interdisciplinary Design Bootcamp (IDB), trong khuôn khổ chương trình thực tế hướng tiếp cận liên ngành
Tuyển dụng nhà khoa học trẻ xuất sắc và nhà khoa học đầu ngành

Ngày 27/02/2025, ĐHQG-HCM đã ban hành Thông báo số 390/TB-ĐHQG về việc tuyển dụng các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành về công tác tại ĐHQG-HCM, đợt 1 (Chương trình VNU350).

Để ứng tuyển Chương trình VNU350, ứng viên phải có trình độ tiến sĩ, khả năng giảng dạy và nghiên cứu độc lập, cùng khát vọng đóng góp cho sự phát triển của ĐHQG-HCM và giáo dục đại học Việt Nam.

Nhà khoa học trẻ cần đáp ứng ít nhất một trong bốn tiêu chí: có công bố khoa học trên tạp chí, hội nghị uy tín; có bằng phát minh, sáng chế đã đăng ký; có sản phẩm khoa học – công nghệ được chuyển giao; hoặc sở hữu hướng nghiên cứu mới, triển vọng phù hợp với Chiến lược phát triển ĐHQG-HCM.

Nhà khoa học đầu ngành cần đáp ứng đủ năm tiêu chí: từng đứng đầu nhóm nghiên cứu hoặc phòng thí nghiệm; chủ trì đề tài, dự án khoa học – công nghệ; có công trình công bố uy tín hoặc bằng sáng chế độc quyền; có kinh nghiệm giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh; và có hợp tác khoa học trong nước, quốc tế.

Leave a Reply