HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC TẾ GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCM VÀ ĐẠI HỌC HALLYM, HÀN QUỐC

HỘI NGHỊ KHOA HỌC QUỐC TẾ GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC TỰ NHIÊN, ĐHQG-HCM VÀ ĐẠI HỌC HALLYM, HÀN QUỐC

Ngày 26 tháng 11, Hội nghị Khoa học quốc tế lần thứ 14 giữa Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCMĐại học Hallym, Hàn Quốc đã diễn ra thành công.

Khai mạc hội nghị, PGS.TS. Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị đối với việc thúc đẩy hợp tác quốc tế lâu dài. Theo cô, đây là dịp để những người tham dự trao đổi học thuật, chia sẻ những phát hiện mới và mở rộng mối quan hệ.

Chương trình hội nghị được chia thành hai phiên thảo luận chính, với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học thần kinh và y sinh.

Phiên 1 do GS. Kyung Ho Yu và GS. Đặng Thị Phương Thảo chủ trì, tập trung vào các nghiên cứu về rối loạn phát triển thần kinh, với các báo cáo đáng chú ý:
• “Phát triển hệ thống mô hình cho rối loạn phổ tự kỷ và phương pháp can thiệp điều trị” – TS. Se Jin Jeon (ĐH Hallym);
• “Liệu pháp điều trị dựa trên kiểu gen trong động kinh phát triển và chuyển hóa” – TS. Bùi Chí Bảo (Trường ĐH Khoa học Sức khỏe, ĐHQG-HCM);
• “Vai trò của UCH-L1 trong rối loạn phổ tự kỷ” – Cô Ngô Bình Thảo Nghi (Trường ĐH KHTN).

Phiên 2 do GS. Kwon-ik Oh và PGS.TS. Trương Hải Nhung chủ trì, tập trung vào các nghiên cứu về bệnh thoái hóa thần kinh và tương tác não – cơ thể, với các báo cáo:
• “Sử dụng thụ thể tế bào của Enterovirus A71 làm vũ khí” – TS. Trần Văn Hiếu (Trường ĐH KHTN);
• “Sự giao tiếp giữa các cơ quan trong các bệnh thoái hóa thần kinh: Những hiểu biết từ tương tác giữa não và cơ thể” – TS. Eun Hee Ahn (ĐH Hallym);
• “Tương tác giữa UCH-L1 và Parkin trong bệnh Parkinson” – Thầy Đoàn Thế Quang Vinh (Trường ĐH KHTN).

Đại diện từ hai trường đang trao đổi sau phiên báo cáo.

Buổi chiều, chương trình tiếp tục với phần giới thiệu đến từ đại diện Đại học Hallym về trường và các chương trình đào tạo sau đại học. Đặc biệt, phiên phỏng vấn sinh viên được tiến hành đã giúp các sinh viên được tìm hiểu thêm về cơ hội học tập và nghiên cứu tại Hallym. Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội nghị còn được tham quan các phòng thí nghiệm hiện đại hiện có tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM, bao gồm Viện Tế bào gốc, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Ung thư, Phòng thí nghiệm Kỹ nghệ mô và Vật liệu Y sinh, cùng với Phòng thí nghiệm Trung tâm Khoa học – Công nghệ Sinh học.

Hội nghị khoa học quốc tế lần thứ 14 giữa Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM và Đại học Hallym đã khép với sự hài lòng của những người tham dự. Sự kiện không chỉ củng cố mối quan hệ hợp tác giữa các đơn vị liên quan mà còn mở ra hướng phát triển mới trong ứng dụng khoa học, tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác lâu dài.

ℙ𝕄ℕ