GS.TS Trần Văn Hiếu: Hành trình theo đuổi tính ứng dụng trong công nghệ sinh học

Vừa qua, thầy Trần Văn Hiếu, Trưởng phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (KHTN) đã chính thức được công nhận chức danh Giáo sư ngành Sinh học.

GS.TS Trần Văn Hiếu là ứng viên đã có 97 bài báo công bố trên tạp chí khoa học. Trong số 40 bài được công bố trên tạp chí quốc tế uy tín, có 35 bài do thầy Hiếu làm tác giả chính sau khi đạt PGS. Thầy còn là tác giả duy nhất của 1 sách chuyên khảo từ nhà xuất bản uy tín trong nước, 2 giáo trình và 1 sách hướng dẫn.

GS.TS Trần Văn Hiếu tại Lễ vinh danh nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

Nhiều công bố có tính ứng dụng cao

Lỡ duyên với nghề y, GS.TS Trần Văn Hiếu lại tìm thấy niềm đam mê ở ngành Công nghệ sinh học vì cách thức tư duy linh hoạt và ưu tiên hiểu bản chất vấn đề. Được biết, ngay từ thời trung học, thầy Hiếu đã cảm nhận được năng khiếu nổi trội của bản thân đối với môn sinh học qua các lần mổ tiêu bản, từ đó bén duyên và gắn bó với con đường này một cách tự nhiên.

Nhờ sự tư vấn của giáo viên và gia đình, thầy Trần Văn Hiếu chọn trường ĐH KHTN là nơi gắn bó vì cho rằng đây là môi trường lý tưởng để phát triển đam mê nghiên cứu khoa học. Là sinh viên khóa đầu tiên của ngành Công nghệ sinh học, GS.TS Trần Văn Hiếu quyết định ở lại khoa để tiếp tục cống hiến, “gieo hạt đam mê” cho những thế hệ yêu sinh học tiếp theo của trường.

GS.TS Trần Văn Hiếu đang giữ vai trò Trưởng phòng thí nghiệm Cảm biến sinh học, khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên

Miệt mài với các công trình nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, GS.TS Trần Văn Hiếu đã và đang có nhiều dự án, công bố có tính ứng dụng cao, mang lại nhiều giá trị trong lĩnh vực như: y tế, thuỷ sản, thú y,..

Nổi bật trong đó là công bố nghiên cứu về sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư tại Việt Nam với hiệu quả gấp 300 lần so với những sản phẩm đã công bố trước đó. Trong lĩnh vực thuỷ sản, nhóm nghiên cứu của GS.TS Trần Văn Hiếu đã là đơn vị đầu tiên trên toàn thế giới nghiên cứu thành công que thử có thể phát hiện được bệnh hoại tử gan tụy cấp từng làm suy giảm nghiêm trọng sản lượng tôm tại Việt Nam lẫn thế giới. Ngoài ra còn rất nhiều công bố khoa học có giá trị khác.

Được biết, công trình mới nhất mà nhóm thầy Hiếu đang nghiên cứu, phát triển chính là vaccine dạng hít và uống đối với các vấn đề sức khỏe liên quan đến phổi hoặc đường ruột với mong muốn vaccine có thể đến chính xác tế bào cần đến và ngăn chặn được virus từ giai đoạn đầu. Được biết, dù trải qua những thử thách về mặt công nghệ thông tin khi phải tính toán và xử lý các dữ liệu “khủng”, nhóm nghiên cứu của thầy Hiếu vẫn nỗ lực thực hiện đến cùng vì đây là một trong những hướng nghiên cứu có thể góp phần giải quyết được thực trạng tiêm vaccine nhưng vẫn tái nhiễm.

Ban đầu, việc công bố nghiên cứu khoa học không là ưu tiên hàng đầu với GS.TS Trần Văn Hiếu. Tuy nhiên, khoảnh khắc lần đầu có công bố quốc tế đã khiến thầy khắc sâu và thay đổi tư tưởng.
Đó là công bố đầu tiên sau khi tôi về nước và hoàn toàn được thực hiện bởi người Việt Nam. Thời điểm ấy tôi nhận thấy, mình cùng các bạn sinh viên Việt Nam khi hợp sức cũng có thể tạo nên những công bố quốc tế chất lượng. Từ đó, những nhóm nghiên cứu tiếp theo sẽ có thêm niềm tin và động lực vào việc chinh phục các công bố quốc tế” – GS Trần Văn Hiếu chia sẻ.
Được biết, quá trình nghiên cứu, tìm ra các giải pháp sinh học mang tính ứng dụng cao của thầy Hiếu chưa bao giờ là chặng đường dễ dàng. Đặc biệt là khoảng thời gian đại dịch COVID-19. Sự gián đoạn về thời gian, hạn chế di chuyển,… khiến thầy và đồng đội cảm thấy như phải “làm lại từ đầu”. Tuy nhiên, bằng niềm đam mê và tính kỷ luật cao, GS.TS Trần Văn Hiếu đã dìu dắt tập thể gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực sinh học.

GS.TS Trần Văn Hiếu nhận Giải thưởng tại Hội nghị thường niên ĐHQG-HCM

Để đi trên con đường nghiên cứu cần rất nhiều kiên trì

Từng có nhiều trải nghiệm và thành tựu trong ngành, GS.TS Trần Văn Hiếu hiểu rõ những khó khăn mà các tiến sĩ trẻ lẫn sinh viên đam mê khoa học gặp phải.

Theo thầy Hiếu, dù điều kiện để tiến hành thực hiện nghiên cứu đã đôi phần dễ dàng hơn trước nhưng các tiến sĩ trẻ hiện nay vẫn còn loay hoay vì thiếu kinh phí và trang thiết bị phù hợp. Bên cạnh đó, GS.TS Trần Văn Hiếu cảm thấy khá lo lắng khi nhiều người còn chưa xác định được mục đích và tính ứng dụng trong nghiên cứu của họ.

GS Trần Văn Hiếu gợi ý: “Tại Việt Nam, dù là nghiên cứu các vấn đề về nguyên lý, nền tảng, hội đồng thẩm định vẫn rất mong muốn các ứng viên trình bày tính ứng dụng của nghiên cứu. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học trẻ. Vì thế, các cá nhân nên tận dụng cơ hội và trình bày rõ nét độ khả thi, tính ứng dụng và độ cấp thiết của đề tài”.

GS.TS Trần Văn Hiếu cùng học trò trong lễ trao bằng tốt nghiệp

Được biết, bên cạnh đam mê với con đường nghiên cứu, thầy Hiếu còn là giảng viên khoa Sinh học – Công nghệ sinh học có số lượng sinh viên tham gia đăng ký môn học mỗi kỳ “vượt mức tối đa” vì cách dạy độc đáo.

Thầy Hiếu chia sẻ, môn học do thầy phụ trách gần như tổ chức kiểm tra mỗi tuần. Sinh viên từ đó được chia nhỏ khối lượng kiến thức phải ôn cho kỳ thi. Bên cạnh tích lũy điểm trong quá trình học, sinh viên được làm bài luận dưới dạng kiểm tra tư duy, lý luận, gợi ý giải pháp cho vấn đề thay vì học thuộc lý thuyết.

Tôi cảm thấy sinh viên ôn thi một lúc quá nhiều môn nên kiến thức sau này không còn đảm bảo. Với phương pháp dạy của tôi, sinh viên có thể chủ động cải thiện tình hình học tập và hứng khởi hơn bởi các điểm cộng khích lệ. Hầu hết các sinh viên đều qua môn trong sự vui vẻ” – thầy Hiếu đồng cảm.

Chia sẻ về phương châm giáo dục, GS.TS Trần Văn Hiếu cho biết, bản thân ưu tiên tập trung đào tạo từng cá nhân để đạt những sinh viên chất lượng. Vì với sự hướng dẫn cụ thể, mỗi người sẽ phát huy được thế mạnh và tiết chế được khuyết điểm của bản thân. Từ đó có nhiều cơ hội thăng hoa với công việc nghiên cứu ở nhiều vai trò khác nhau.
GS Trần Văn Hiếu cho biết thêm: “Dù là công bố nhỏ hay lớn, tôi luôn đảm bảo quyền lợi của sinh viên bằng cách cho họ đứng tên đầu tiên trong mục tác giả, đồng thời giao cho các cá nhân nhiệm vụ và đề tài phù hợp. Điều này đã tạo được cơ hội và động lực cho sinh viên tiếp tục vững bước trên hành trình nghiên cứu khoa học”.

Trong thời gian tới, GS.TS Trần Văn Hiếu vẫn mong muốn được tiếp tục cống hiến tại Trường ĐH KHTN và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ tiếp theo. Trong con đường nghiên cứu nhiều chông gai, thầy Hiếu vẫn sẽ tiếp tục tìm tòi và tạo ra những sản phẩm sinh học có độ ứng dụng, thương mại hoá cao; đồng hành cùng các doanh nghiệp giải quyết những yêu cầu cấp thiết của xã hội và thời đại.

GS.TS Trần Văn Hiếu và Thầy, Cô khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
GS Trần Văn Hiếu là cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên khóa 1999-2003. Sau đó, GS Trần Văn Hiếu theo đuổi ngành Vi sinh vật học ở hệ thạc sĩ tại đây từ năm 2003-2006. Giai đoạn 2007-2011, GS Hiếu học tiến sĩ tại Trường ĐH Würzburg (Cộng hòa Liên bang Đức), chuyên ngành Miễn dịch – nhiễm trùng.

Sau khi trở về nước, GS Hiếu đã có nhiều cống hiến cho ngành Sinh học và được công nhận chức danh phó giáo sư vào năm 2016, chức danh giáo sư năm 2024.

Trong quá trình nghiên cứu, GS Hiếu đã có những phát hiện mới, tạo tiềm năng ứng dụng từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách và ứng dụng thực tiễn. Một số công trình tiêu biểu như:
Sản xuất thuốc hỗ trợ điều trị ung thư với thành phần chính là human granulocyte-macrophage colony-stimulating factor (GM-CSF) người tái tổ hợp từ nấm men P. pastoris và S. cerevisiae. Nghiên cứu này được triển khai từ 2013 trong khuôn khổ đề tài của Sở Khoa học Công nghệ TP HCM nhằm hướng tới sản xuất thuốc hết bản quyền LEUKINE® sản xuất từ S. cerevisiae. Kết quả nghiên cứu cho thấy GM-CSF tái tổ hợp tinh sạch thu được từ P. pastoris có hoạt tính cao hơn 327 lần so với từ S. cerevisiae. Nghiên cứu này mở ra cơ hội sản xuất các thuốc hết bản quyền hay thuốc tương đương sinh học cho các protein trị liệu khác nói chung và GM-CSF nói riêng.

Nghiên cứu ứng dụng FGF-2 trong điều trị tổn thương da sâu do nhiệt. Nghiên cứu này được triển khai từ 2021 trong khuôn khổ đề tài cấp ĐHQG nhằm tạo ra sản phẩm điều trị bỏng công nghệ cao. Kết quả cho thấy việc bổ sung FGF-2 tái tổ hợp giúp tốc độ đóng vết thương nhanh hơn, mô hạt dày vừa phải, và hình thành nhiều mạch máu hơn so với điều trị không bổ sung.
Nghiên cứu phát triển que thử lần đầu tiên trên thế giới phát hiện nhanh và đồng thời hai độc tố toxA, toxB gây bệnh hoại tử gan tụy cấp (Acute HepatoPancreatic Necrosis Disease/AHPND) trên tôm. Nghiên cứu này được triển khai từ 2018 trong khuôn khổ đề tài cấp Nhà nước, Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam bộ giai đoạn 2014-2020. Nghiên cứu này tạo nền tảng cho việc phát triển bất kỳ que thử nhanh cho bất kỳ bệnh mới nổi nào không chỉ trong thuỷ sản mà cả trong thú ý hay nông nghiệp nói chung.

 

Leave a Reply