PGS.TS Lê Đức Hùng: Hỗ trợ điều trị bệnh thần kinh thông qua nghiên cứu chip

Vừa qua, thầy Lê Đức Hùng, Trưởng Bộ môn Điện tử, Trưởng phòng thí nghiệm DESLAB, Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã chính thức được công nhận chức danh Phó Giáo sư ngành Điện tử.

Là giảng viên có nhiều thành tích nổi bật trong giảng dạy lẫn nghiên cứu, PGS.TS Lê Đức Hùng đã có có 31 bài báo tạp chí uy tín trong và ngoài nước, 61 bài báo hội nghị quốc tế, 14 bài báo hội nghị quốc gia, xuất bản 2 sách giáo trình và 1 sách dịch mã nguồn mở. Bên cạnh đó, thầy từng dẫn dắt sinh viên dẫn đạt giải nhất Eureka 2017 lĩnh vực Kỹ thuật, đạt giải nhất cuộc thi Thiết kế vi mạch cho Đô thị thông minh TP. HCM năm 2023.

PGS.TS Lê Đức Hùng tại Lễ vinh danh nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

Gắn bó cùng “ngôi nhà thứ hai”

Có bố mẹ từng là giảng viên Trường ĐH Tổng hợp TP.HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên và Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn), mái trường từ lâu đã trở thành ngôi nhà thứ hai của thầy Lê Đức Hùng. Đến lúc điền nguyện vọng chọn trường đại học, thầy Hùng đã quyết định gửi gắm ước mơ tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên để gắn bó và cống hiến với lý do “không muốn thay đổi một nơi vốn đã quen thuộc”.

Nhìn lại hành trình nghiên cứu miệt mài, PGS.TS Lê Đức Hùng nhận ra chính mình đã dấn thân vào nhiều địa hạt như Thiết kế vi mạch bán dẫn, Điện tử y sinh, Xử lý tín hiệu số và Neuromorphic Computing. Hành trình nghiên cứu với nhiều khó khăn, vất vả nhưng đã mang lại cho PGS.TS Lê Đức Hùng nhiều kỷ niệm cùng kinh nghiệm quý báu.

Được biết, khoảng thời gian khó khăn và chật vật nhất của PGS.TS Lê Đức Hùng là khoảng thời gian đầu làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên sau khi tốt nghiệp. Khi đó, PGS.TS Hùng thường trăn trở về việc tìm kiếm định hướng nghiên cứu. Ngoài ra, sau khi học tiến sĩ và trở về gắn bó với nhà trường, tình trạng cơ sở vật chất thiếu thốn cũng là một khó khăn cho việc nghiên cứu của thầy.

Đặc biệt, khoảng thời gian giãn cách xã hội lúc đại dịch COVID-19 là khó khăn mà PGS.TS Lê Đức Hùng không thể nào quên được. Theo lời thầy Hùng, khi ấy nhóm nghiên cứu vẫn đang thực hiện thiết kế chip để kịp hoàn thiện khâu cuối cùng. Lúc nhận được thông báo chuẩn bị giãn cách xã hội, cả nhóm phải tất bật chạy lên phòng lab để bố trí toàn bộ hệ thống một cách nhanh nhất, chuẩn bị cho quá trình làm việc từ xa.

Khoảng thời gian ấy chúng tôi cảm thấy rất hồi hộp khi chính bản thân cũng không biết tình trạng giãn cách xã hội sẽ kéo dài trong bao lâu. Đặc biệt là lo lắng cho các thiết bị máy móc sẽ trục trặc vì hoạt động liên tục mà không được thường xuyên được kiểm tra. Tuy nhiên, may mắn vì đặc thù của ngành và các yếu tố kỹ thuật cho phép chúng tôi có thể làm việc từ xa”, thầy Hùng kể.

Theo đuổi lĩnh vực Điện tử cho đến ngày hôm nay, PGS.TS Lê Đức Hùng luôn quan niệm: “Trở ngại lớn nhất chính là bản thân mình”. TS Hùng cho biết bản thân thường bị áp lực và lệch hướng khỏi định hướng trong khoảng thời gian đầu – khi chưa xác định con đường nghiên cứu về thiết kế vi mạch. Trong thời gian ấy, PGS.TS Lê Đức Hùng đã nhận được sự hỗ trợ từ GS Đặng Lương Mô, PGS.TS Nguyễn Hữu Phương, GS.Phạm Công Kha cùng sự nhiệt huyết của các sinh viên, đồng nghiệp và đặc biệt là gia đình đã tiếp thêm cho thầy Hùng nhiều động lực.

Theo PGS.TS Lê Đức Hùng, nhóm nghiên cứu của thầy đã và đang thực hiện thiết kế vi mạch, cụ thể là các hệ thống trên chip công suất thấp sử dụng kỹ thuật thiết kế số, thiết kế tương tự ứng dụng thu nhận dữ liệu, xử lý tín hiệu y sinh, bảo mật dữ liệu và tính toán hiệu suất cao. Hiện tại, PGS.TS Lê Đức Hùng đang nghiên cứu thiết kế vi mạch Neuromorphic Computing hướng tới các ứng dụng chip AI thiết bị biên và các ứng dụng y sinh, cụ thể là tín hiệu điện não và neuromorphic.

PGS.TS Lê Đức Hùng giải thích: “Tôi mong muốn ứng dụng các kỹ thuật và công nghệ thiết kế chip tiên tiến hỗ trợ quá trình phát hiện và điều trị các bệnh, trong đó các bệnh lý liên quan đến thần kinh như động kinh, Alzheimer, Parkinson,… Bên cạnh đó, tôi hướng đến chế tạo các hệ thống xử lý hoặc chip trí tuệ nhân tạo thế hệ mới với công suất thấp, hiệu suất cao dựa trên đặc tính thần kinh sinh học.

PGS.TS Lê Đức Hùng hiện giữ vai trò Trưởng phòng thí nghiệm DESLAB, Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường ĐH Khoa học tự nhiên

Học tập hay nghiên cứu đều cần những không gian tự do

Sau một khoảng thời gian dài cống hiến cho lĩnh vực Điện tử – Viễn thông, thầy Lê Đức Hùng cho biết bản thân cảm thấy rất xúc động và biết ơn khi đạt được danh hiệu PGS.TS năm 2024. Đây không chỉ là kết quả của quá trình giảng dạy, nghiên cứu còn là nỗ lực của tập thể cũng như sự đồng hành từ phía nhà trường, khoa/bộ môn.

Với mục đích truyền cảm hứng và sự yêu thích cho sinh viên, PGS.TS Lê Đức Hùng luôn mong muốn tạo điều kiện để người học được tự do tiếp cận các kiến thức, công nghệ, công cụ trong lĩnh vực chuyên môn. Qua đó, TS Hùng kỳ vọng thế hệ trẻ có thể tự do phát huy các khả năng của mình một cách có kỷ luật trong quá trình học tập và nghiên cứu.

“Tôi luôn quan niệm rằng giảng viên và sinh viên đều cần có một không gian nghiên cứu tự do và môi trường làm việc tốt nhất trong điều kiện cho phép để phát huy tính tự chủ, sáng tạo. Tuy nhiên, nếu không có đam mê, sự chuyên cần và kỷ luật thì các bạn khó thành công trong học tập cũng như nghiên cứu khoa học”, thầy Đức Hùng nhắn nhủ.
Ngoài ra, PGS.TS Lê Đức Hùng luôn khuyến khích rằng, sinh viên nên bắt đầu từ những sản phẩm nhỏ rồi dần dần hướng đến các bài báo nghiên cứu được báo cáo tại các hội nghị, hội thảo khoa học. Được biết, thầy Hùng luôn tạo điều kiện để sinh viên sử dụng phòng Lab không giới hạn thời gian cũng như tạo cơ hội tham gia các hoạt động học thuật uy tín. Điều này giúp sinh viên nâng cao khả năng tự học, chịu trách nhiệm về hoạt động nghiên cứu, từ đó ngày càng trưởng thành hơn.
Tôi học tập mô hình này trong quá trình học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, tôi mong muốn xây dựng một mô hình làm việc tốt nhất trong khả năng có thể để hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên và các giảng viên trẻ, đó cũng là cách tôi cảm ơn những người đã dìu dắt mình, tiếp tục đào tạo cho các thế hệ sau”, PGS.TS Lê Đức Hùng nói.

Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, PGS.TS Lê Đức Hùng kỳ vọng vào một thế hệ trẻ tích cực, chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu để có cơ hội học tập và định hướng tốt hơn. Với điều kiện hiện tại, các thế hệ sau cần phải xuất sắc hơn các thế hệ trước để tiếp tục phát triển công nghệ nước nhà, xây dựng đất nước và xã hội tiến bộ hơn nữa.

Chúng tôi chỉ đồng hành với các bạn sinh viên một đoạn đường, hy vọng đó là thời gian hữu ích để sau này các bạn tự có con đường rực rỡ hơn cho cá nhân và phụng sự xã hội”, PGS.TS Lê Đức Hùng chia sẻ.

Được biết, trong thời gian tới, PGS.TS Lê Đức Hùng vẫn hướng tới nghiên cứu vi mạch ứng dụng trong y sinh và trí tuệ nhân tạo cũng như ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị bệnh, đặc biệt liên quan đến khoa học thần kinh. Đặc biệt, thầy Đức Hùng sẽ hướng đến các sản phẩm nghiên cứu, học tập học liệu mang hướng mở để lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị đến cộng đồng tri thức, yêu khoa học.

PGS.TS Lê Đức Hùng cùng đồng nghiệp tại Lễ vinh danh nhà giáo được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư

PGS.TS Lê Đức Hùng từng là cử nhân khoa học ngành Vật lý, chuyên ngành Điện tử, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (1997-2001). Sau đó, thầy Hùng tốt nghiệp Thạc sĩ Khoa học ngành Vật lý Điện tử, hướng Kỹ thuật Điện tử, Trường ĐH Khoa học tự nhiên vào năm 2005. Khoảng thời gian  từ 2010 đến 2013, thầy Hùng theo học chương trình Tiến sĩ Kỹ thuật ngành Khoa học và Công nghệ Tiên tiến, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, The University of Electro-Communications (Nhật Bản) và tiếp tục theo đuổi con đường chương trình Sau Tiến sĩ tại đây trong vòng 1 năm sau.

Một số công trình nghiên cứu đáng chú ý của PGS.TS Lê Đức Hùng có thể nhắc đến: Mô hình hóa và rút trích tham số linh kiện MOSFET; Kỹ thuật thiết kế vi mạch số công suất thấp, công nghệ và ứng dụng; Thiết kế lõi tính toán CORDIC kết hợp với biến đổi Cosine rời rạc tốc độ cao, công suất thấp theo hướng ASIC ứng dụng nén và giải nén video H.265; Thiết kế mạch Analog Front-end có khả năng tái cấu hình trên công nghệ CMOS 180nm; Thực hiện hệ thống SoC dựa trên vi xử lý RISC-V 32-bit và các lõi mật mã hóa nhẹ ứng dụng FOTA trên FPGA; Thiết kế mạng thần kinh tăng vọt sử dụng mô hình tế bào cộng-hưởng-kích-hoạt toàn số trên FPGA…

 

Leave a Reply