Chiều 07/7, trong khuôn khổ chương trình Giáo sư thỉnh giảng tại ĐHQG-HCM năm 2025, Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật đã tổ chức seminar khoa học chủ đề “Photonics in 2D Materials and Applications” với sự tham gia của TS. Nguyễn Tuấn Hưng, thu hút đông đảo sinh viên, học viên và giảng viên tham dự.

Seminar mang đến góc nhìn chuyên sâu về hiện tượng phi tuyến – cộng hưởng bội hai (SHG) trong vật liệu hai chiều và các dị thể cấu trúc, cùng các phương pháp tối ưu hóa hiệu ứng này thông qua kỹ thuật chồng lớp và biến dạng. Bên cạnh nội dung học thuật, chương trình cũng giới thiệu hai phần mềm mã nguồn mở là QERaman và QR2-code, được phát triển nhằm hỗ trợ tính toán phổ Raman cộng hưởng – một công cụ hữu ích trong việc phân tích đặc tính điện tử và phonon của vật liệu. Cả hai mã nguồn hiện đã được công khai trên GitHub, góp phần hỗ trợ hiệu quả cho quá trình mô phỏng và nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu hiện đại. Đây cũng là dịp để sinh viên, học viên và các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận với những xu hướng nghiên cứu tiên tiến và công cụ mô phỏng chuyên sâu trong ngành khoa học vật liệu.

Không chỉ mang tính chuyên môn, seminar còn truyền tải tinh thần nghiên cứu hiện đại thông qua việc giới thiệu các định hướng mà TS. Nguyễn Tuấn Hưng đang theo đuổi. Trong đó, nổi bật là việc kết hợp mô phỏng vật liệu với công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm khai thác hiệu quả hơn các đặc tính vật lý, đặc biệt trong nghiên cứu chất bán dẫn và phát triển vật liệu năng lượng sạch.
Thông qua chia sẻ của TS. Hưng, người tham dự không chỉ tiếp cận được các công cụ và xu hướng mới, mà còn có cơ hội hiểu rõ hơn cách những tiến bộ công nghệ đang góp phần định hình hướng đi của ngành khoa học vật liệu. Đây là trải nghiệm hữu ích, đặc biệt đối với các nhà nghiên cứu trẻ đang tìm kiếm hướng phát triển học thuật và ứng dụng trong tương lai.
Một số hình ảnh tại buổi Seminar Khoa học
TMT