Chiều ngày 28/10/2024, tại phòng I.12, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức buổi nghiệm thu đề tài khoa học mang mã số C2021-18-24 “Chế tạo màng bionanocomposite từ chitosan và nanocellulose hướng đến ứng dụng trong xử lý nước,” do ThS. Vũ Năng An làm chủ nhiệm. Đề tài đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, khẳng định tiềm năng ứng dụng vật liệu có nguồn gốc sinh học trong xử lý nước thải hiệu quả.
Một trong những thành tựu quan trọng của nghiên cứu là phát triển quy trình tổng hợp nanocellulose (CNC) từ bã mía, một phụ phẩm nông nghiệp ít có giá trị kinh tế tại Việt Nam. Trong nghiên cứu này, nhóm các nhà khoa học đã tạo ra màng biocomposite ba thành phần gồm chitosan, nano tinh thể cellulose (CNC), và nano bạc (mCS/CNC/Ag) với định hướng ứng dụng trong công nghệ xử lý nước. CNC được tổng hợp bằng cách thủy phân cellulose tách từ bã mía thông qua hỗn hợp acid citric và hydrochloric. Quy trình chế tạo màng qua hai giai đoạn chính: phương pháp gel hóa đông lạnh và phương pháp thủy phân. Kết quả phân tích từ ảnh hiển vi điện tử quét cho thấy có cấu trúc xốp với kích thước lỗ từ 50 – 200 µm. Cấu trúc màng có tính chất bất đối xứng rõ rệt, với hai bề mặt có sự khác biệt về số lượng và kích thước lỗ xốp.
Nghiên cứu cũng chứng minh hiệu quả vượt trội của màng trong việc xử lý các chất ô nhiễm. Màng có khả năng khử Methylene Blue (MB) với hiệu suất cao hơn 90% chỉ trong vòng 1 phút khi sử dụng thêm NaBH4. CNC đã góp phần tăng cường tính chất cơ học của màng, giúp các hạt nano bạc liên kết chặt chẽ và không bị tách ra khỏi màng trong suốt quá trình xử lý MB. Điều này đồng nghĩa với việc màng vẫn giữ được hiệu suất ổn định sau bốn lần tái sử dụng, mang lại tiềm năng lớn cho các ứng dụng thực tế trong công nghệ xử lý nước.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những kết quả nghiên cứu, ghi nhận nhóm tác giả đã hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đặt ra. Đề tài được xếp loại Tốt, nổi bật với 1 công bố khoa học trong nước và 1 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc nhóm Q1, cùng với việc đào tạo thành công 3 cử nhân khoa học. Những thành tựu này không chỉ khẳng định chất lượng nghiên cứu mà còn mở ra hướng đi mới cho việc ứng dụng vật liệu bionanocomposite trong xử lý môi trường.