ĐÀO TẠO NHÂN LỰC VÀ NGHIÊN CỨU TRIỂN KHAI LĨNH VỰC VI MẠCH BÁN DẪN

Theo số liệu của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số của lĩnh vực vi mạch bán dẫn toàn cầu hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và dự báo sẽ tăng lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Hiện nay, đã xuất hiện những cơ hội mới cho phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, từ lợi thế quy mô dân số và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, là điều kiện thuận lợi cho thị trường công nghiệp chíp bán dẫn. Nhu cầu nguồn nhân lực kỹ sư là rất lớn và cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Với mục đích đánh giá tình hình nghiên cứu, đào tạo và nhu cầu nhân lực về vi mạch bán dẫn hiện nay của Việt Nam; bên cạnh đó là các trao đổi thảo luận về các chương trình đào tạo ngắn hạn từ các Doanh nghiệp vi mạch, sáng ngày 22/9/2023, Hội Công Nghệ Vi Mạch Bán Dẫn TPHCM (HSIA) phối hợp với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức thành công Hội thảo “Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045”.

Về phía khách mời có sự tham dự của PGS. TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQG-HCM; ThS. Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội công nghệ vi mạch bán dẫn (HSIA); PGS. TS. Đoàn Lê Hoàng Tân, Phó viện trưởng Trung tâm Inomar; TS. Trịnh Xuân Thắng, Phó giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM; Ông Lý Minh Tuân, Trưởng Phòng CNTT, Sở thông tin truyền thông TP.HCM; Ông Trần Long, Trưởng Văn phòng đại diện phía Nam, Trung ương Hội Phát triển hợp tác Kinh tế Việt Nam ASEAN +3; PGS. TS Dương Hoài Nghĩa, Trưởng Khoa Kỹ thuật, Trường ĐH Quốc tế Miền Đông; TS. Đoàn Đức Chánh Tín, Viện trưởng Viện công nghệ Nano ĐHQG-HCM; Anh Nguyễn Phúc Vinh, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH Synopsys Việt Nam; Ông Lê Huỳnh Lân, Phó Trưởng Ban, Ban đại diện CSV Khoa Vật lý – VLKT, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mantis Việt Nam.

Về phía Trường ĐH KHTN có sự hiện diện của PGS. TS. Trần Cao Vinh, Chủ tịch Hội đồng Trường; PGS. TS. Trần Lê Quan, Hiệu trưởng; PGS. TS. Huỳnh Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vật lý – Vật lý kỹ thuật cùng đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, lãnh đạo các Khoa, giảng viên và sinh viên.

Trong phát biểu chào mừng, PGS.TS Trần Lê Quan – Hiệu trưởng cho biết Trường ĐH KHTN đang cùng với các trường thành viên trong hệ thống ĐHQG-HCM xây dựng đề án mở ngành đào tạo về Thiết kế Vi mạch tại Khoa Điện tử – Viễn thông và ngành Công nghệ Bán dẫn tại Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật.

“Mặc dù là hai ngành mới, nhưng đây là những hướng nghiên cứu và chuyên ngành đào tạo truyền thống của Trường ở bộ môn Điện tử, Khoa Điện tử – Viễn thông, và bộ môn Vật lý Bán dẫn, Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật” – Hiệu trưởng giải thích.

Tại Hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Vi mạch Bán dẫn Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn đã nêu lên những cơ hội và thách thức trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng ngành công nghiệp vi mạch là một ngành công nghệ cao đem lại nhiều giá trị gia tăng và là nền tảng để hỗ trợ, đẩy mạnh sự phát triển của các ngành công nghiệp khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều sâu. “Dù được xem là ngành công nghiệp “tỷ USD”, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức đó là thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng”, ông Tuấn khẳng định.

Hội thảo cũng là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp, các trường đại học thảo luận các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, cũng như triển khai Chương trình hợp tác giữa UBND TP.HCM và Đại học Quốc gia TP.HCM. Đồng thời, đề xuất Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam tầm nhìn đến 2045. Theo nhận định của GS. TS. Đặng Lương Mô, cố vấn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ nhà nước, nhà đầu tư, nhà trường và nhà sản xuất.

Các báo cáo tham luận được trình bày xoay quanh các chủ đề:

  • Báo cáo tham luận đề dẫn “Hiện trạng nhân lực và dự báo nhu cầu về vi mạch bán dẫn”. Báo cáo viên: Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Vi mạch Bán dẫn Việt Nam.
  • Tham luận “Giới thiệu về hoạt động đào tạo và nghiên cứu công nghệ bán dẫn của trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM”. Người thực hiện: PGS.TS. Vũ Thị Hạnh Thu, Khoa Vật lý – Vật lý Kỹ thuật.
  • Tham luận “Thách thức trong việc đào tạo kỹ sư vi mạch bán dẫn tại trường/ viện và đào tạo lại tại doanh nghiệp”. Người thực hiện: Ông Nguyễn Phúc Vinh, đại diện của Công ty Sysnopsys.

Trong khuôn khổ Hội thảo, trường ĐH KHTN đã tiến hành Lễ ký kết các hợp đồng tài trợ và MOU với các đơn vị:

Ký thoả thuận hợp tác giữa Trường ĐH KHTN và Viện công nghệ Nano, ĐHQG-HCM

Ký thoả thuận hợp tác giữa Trường ĐH KHTN và Công ty Synopsys