Ghi chép hoạt động hội Cựu Chiến Binh Trường: TÌM VỀ MIỀN KÝ ỨC – TIỂU ĐOÀN HẢI NGOẠI CỬU LONG 2

TÌM VỀ MIỀN KÝ ỨC

Trong trí nhớ của cựu chiến binh (CCB) Bùi Thọ Thanh khi còn là cậu bé mới hơn 2 tuổi (*PGS.TS Bùi ThọThanh, nguyên Trưởng Khoa Hóa học Trường ĐH.KHTN, nguyên Giám đốc Trung tâm Đào tạo PuF – ĐHQG-HCM), về ngày được bà ngoại dẫn theo xuống Cà Mau chia tay người cha trên con tàu của Ba Lan chở đoàn quân tập kết ra Bắc chuyến cuối cùng vào tháng 02/1955, trong buổi đêm tối nhập nhoạng ở bến một ngã ba sông nơi tập trung, cậu bé đi rờ rẫm từng người để tìm cha minh, khi tìm được cha thì ôm cha dứt khoát không rời và òa khóc nức nở, làm những ai có mặt đều không cầm được nước mắt… Người đi trên tàu, người ở dưới bến, một rừng người giơ lên 2 ngón tay, ngụ ý hẹn sau 2 năm nữa tổng tuyển cử (1956) sẽ đoàn tụ…   Nhưng rồi cuộc chia ly kéo dài tới 20 năm sau, khi đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975.

Bùi Thọ Thanh chỉ còn nhớ mang máng vùng đất buổi chia tay trong ký ức ấy. Nhiều lần liên hệ với các đồng đội cũ thì biết được cái tên Chắc Băng, nhưng họ cũng không nhớ rõ ở đâu, người nói ở giáp ranh Sóc Trăng, Bạc Liêu, còn trên mạng có rất nhiều bài viết về chuyến tàu tập kết cuối cùng tháng 02/1955 ấy, nhưng cũng không nói rõ địa điểm cụ thể hiện nay là ở chỗ nào… Bùi Thọ Thanh có tâm sự: “Bây giờ cũng lớn tuổi rồi. Từ giờ đến trước khi chết, tôi phải 1 lần được đến địa điểm này mới thỏa lòng”… Biết được tâm nguyện của đồng đội, Hội CCB Trường ĐH.KHTN quyết định tổ chức chuyến đi Về Nguồn 2017, cũng là để các đồng đội CCB biết và tìm hiểu thêm 1 địa danh truyền thống cách mạng trong lịch sử đấu tranh kháng chiến của lực lượng vũ trang và của cả dân tộc VN.

Bên bờ Sông Trẹm, khu vực tập kết 200 ngày (1954-1955)

Ngã ba Kênh Chắc Băng và Sông Trẹm, nơi  cách đây 62 năm Ông Bùi Thanh Khiết

(cha của CCB Bùi Thọ Thanh) cùng đoàn quân tập kết lên tàu ra Bắc.

Các đồng đội CCB chia sẻ cảm xúc của CCB Bùi Thọ Thanh

 

Tìm hiểu trên mạng internet Kênh Chắc Băng (tên khác: Kênh Xáng Vĩnh Thuận) là một con kênh ở vùng U Minh Hạ, thuộc hai huyện: Thới Bình của tỉnh Cà Mau và Vĩnh Thuận của tỉnh Kiên Giang đổ ra Sông Ông Đốc. Kênh Chắc Băng dài hơn 40km nối liền từ ngã ba sông Trẹm đến đầu Vàm Chắc Băng ra sông Cái Lớn. Đây là con kênh thông thương giữa vùng U Minh Hạ và U Minh Thượng. Theo Huỳnh Minh trong cuốn “Bạc Liêu xưa”, Chắc Băng là một con kênh nhỏ, chưa có tên.Theo lời dân gian truyền miệng: Chúa Nguyễn trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của nghĩa quân Tây Sơn, thì lâm bệnh nặng. Ông ra lệnh cho đoàn tùy tùng dừng chân ở bờ kênh và trú ngụ tại mảnh đất Thới Bình. Bệnh tình của vua ngày càng trầm trọng, mặc dù được sự cứu chữa của các bậc danh y. Mọi người đều lắc đầu ái ngại và bảo nhau “Chắc Băng” (- vua sẽ băng hà). Thế rồi do chính tay lương y người Thới Bình chữa trị, bệnh tình của vua thuyên giảm và khỏi hẳn. Chúa Nguyễn đặt tên cho con kênh này là Chắc Băng, để tưởng nhớ công lao của dân quanh vùng đã giúp vua thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh… Còn theo nhà văn Sơn Nam, địa danh Chắc Băng là do đọc trại từ tiếng Cao Miên “Chap tung”, nghĩa là chim Chằng bè, bởi khu vực nằm dọc theo kênh Chắc Băng có khá đông người Khmer sinh sống. Theo truyền thuyết, Chắc Băng ngày xưa có một sân chim rất lớn, tập trung đủ loại chim cò của vùng U Minh, trong đó chim Chằng bè chiếm số lượng nhiều…

Trước đây, Chắc Băng là một dòng kênh nhỏ. Năm 1919, nhận thấy vị thế chiến lược của vùng đất U Minh cũng như con kênh này nên thực dân Pháp đã cho đào mở rộng để tiện việc giao thông, giao thương. Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, kênh Chắc Băng cũng ghi dấu những chiến công cũng như tấm lòng của người dân dọc hai bờ kênh với Đảng, cách mạng và Bác Hồ. Sau khi ký Hiệp định Genève, kênh Chắc Băng được chọn là trung tâm khu tập kết 200 ngày để cán bộ miền Nam ra Bắc. Kênh Chắc Băng còn là nơi che chở cho các đồng chí Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Võ Văn Kiệt… hoạt động cách mạng trong những năm tháng kháng chiến ác liệt. Theo Hiệp định Genève 1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, “tại Nam Bộ thực hiện ngừng bắn lúc 8 giờ, ngày 11 tháng 8 năm 1954 và quy định 3 khu tập kết”: Khu tập kết 80 ngày ở Hàm Tân, Xuyên Mộc; Khu tập kết 100 ngày ở Cao Lãnh, Đồng Tháp Mười và Khu tập kết 200 ngày ở Chắc Băng, Cà Mau.

Tàu chuyển quân Kilinski (Ba Lan) đậu ở ngoài cửa sông Ông Đốc. Trong chuyến tàu áp chót, Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn cùng gia đình, các đồng chí Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Kỉnh công khai lên tàu, vẫy tay chào từ biệt đồng bào để lên đường ra Bắc. Nửa đêm đó đồng chí Lê Duẩn đã bí mật xuống tàu trở lại căn cứ Cà Mau để cùng Xứ ủy lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong giai đoạn mới. Đồng chí Lê Duẩn nhờ Lê Đức Thọ báo cáo với Bác Hồ và Trung ương Đảng: “Tình hình cách mạng miền Nam rất phức tạp. Việc chia cắt không thể 2 năm mà có thể 20 năm mới giải quyết được”. Đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ kể lại: “Một buổi tối đầu năm 1955, trước sự chứng kiến của Ủy ban Giám sát quốc tế, anh Ba lên chiếc tàu Ba Lan neo ở vàm sông Ông Đốc, Cà Mau để tập kết ra Bắc. Đó là chuyến tập kết áp chót. Gần nửa đêm, anh bí mật xuống tàu quay trở lại, tôi được phân công đưa và đón anh Ba cùng anh Nguyễn Hữu Xuyến với 2 đồng chí bảo vệ của anh Ba về một căn cứ đã chuẩn bị từ trước. Việc bố trí anh Ba ở lại miền Nam là một quyết định rất đúng đắn của Bác Hồ, của Trung ương Đảng, một sự đầu tư đặc biệt lớn cho miền Nam và cả nước…”.

Vì vậy, đây là chuyến Về Nguồn rất quan trọng, chứa chan tình cảm đồng đội và có ý nghĩa giáo dục truyền thống rất lớn đối với Hội CCB Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Chúng tôi quyết tâm tìm bằng được địa danh này, mặc dù thời gian không có nhiều, và cơn bão Tembin (bão số 16) ngoài Biển Đông đang hăm he tiến thẳng về Cà Mau… Theo bản đồ trên Google thì kênh Chắc Băng dài hơn 40km thông thương giữa vùng U Minh Hạ và U Minh Thượng. Vậy nơi nào là nơi tập kết 200 ngày chuyển quân ra Bắc ?

Theo suy đoán của chúng tôi thì nơi tập kết phải là một bến sông rộng, gần cửa biển để tàu lớn chở quân có thể vào cập bến… Vì vậy đoàn CCB ĐH.KHTN quyết định tìm ngã ba nơi con kênh Chắc Băng nối ra Sông Trẹm, hiện nay là thị trấn Thới Bình, cách Thành phố Cà Mau khoảng 35km trên con đường Hành lang ven biển (HLVB) nối liền với Rạch Sỏi, Rạch Giá (Kiên Giang)… Con đường HLVB như một tuyến đường chiến lược huyết mạch nối Cà Mau và Kiên Giang lên thẳng Hà Tiên, nối sang đất bạn Campuchia. Con đường này do chính phủ đầu tư xây dựng còn rất mới, rất đẹp, xe chạy khá êm…

Qua con kênh xáng Chắc Băng rẽ trái vào thị trấn Thới Bình… Khu vực ngã ba kênh Chắc Băng và Sông Trẹm bây giờ là một công viên của thị trấn… CCB Bùi Thọ Thanh bùi ngùi cảm xúc không nói nên lời, khi đã thỏa ước nguyện 1 lần trong cuộc đời tìm về được nơi miền ký ức xưa…

 

 BCH Hội CCB Trường chia sẻ niềm vui với đồng đội đã  về nơi kỷ niệm trong ký ức.

 **********

 

TIỂU ĐOÀN HẢI NGOẠI CỬU LONG 2

Trong chuyến đi Về Nguồn 22/12/2017 lần này, chúng tôi tình cờ gặp bia tưởng niệm Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II. Từ 30-4-1975 tới nay, trên các lĩnh vực văn đàn, báo chí, đền ơn đáp nghĩa… rất hiếm khi nghe nhắc chuyện các đơn vị hải ngoại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Vì vậy chúng tôi đã tìm hiểu lịch sử truyền thống của quân đội về lĩnh vực này…

Bia tưởng niệm Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II

của Quân đội nhân dân Việt Nam

……

Theo chỉ đạo của đồng chí Phan Trọng Tuệ, đồng chí Phạm Văn Xô giao 25kg vàng – quyên góp được từ nhân dân sau Tuần lễ vàng cứu nước – cho đồng chí Dương Quang Đông lên đường sang Thái Lan với 3 nhiệm vụ: 1. Dựa vào Việt kiều, vận động nhân dân và Chính phủ Thái Lan ủng hộ cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc của ta; 2. Mở đường biển rồi sau đó mở đường bộ từ Thái Lan tới Nam Bộ ngang qua Campuchia để đưa vũ khí về; 3. Mở mặt trận thứ hai đánh Pháp trên đất bạn.

Sang Thái Lan, Dương Quang Đông gặp Trần Văn Giàu. Trần Văn Giàu được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao nhiệm vụ sang Campuchia và Thái Lan lập một căn cứ hậu cần mua sắm vũ khí tiếp tế cho quân dân Nam Bộ. Hai người họp bàn và phân công nhiệm vụ. Vì là bạn học chung tại Pháp, Trần Văn Giàu lo việc tiếp xúc với Thủ tướng Pridi Phanomyon, tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền Thái Lan. Dương Quang Đông lo thực hiện những nhiệm vụ của Xứ ủy Nam Bộ giao phó. Hai nhóm gặp nhau, hợp lực cùng vận động Việt kiều ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyon có cảm tình với nhân dân Việt Nam và đặc biệt ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Chính vì thế, khi tiếp xúc với Trần Văn Giàu, người bạn học thời sinh viên bên Pháp, Pridi Phanomyon đã hết lòng ủng hộ và tạo mọi điều kiện. Nhờ vậy, chúng ta mua được vũ khí gửi về nước. Đặc biệt Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyon tặng lực lượng kháng chiến Việt Nam 50 tấn súng đạn và hóa chất.

Ngoài ra, ông Dương Quang Đông trực tiếp nhận số vũ khí do Đảng Cộng sản Malaysia tước của phát xít Nhật và trao tặng lại cho cách mạng VN…. Năm 1947 Đảng Cộng sản Malaysia cùng các cán bộ cách mạng VN ở hải ngoại đưa năm chiếc thuyền chở 150 tấn vũ khí, quân trang, quân dụng vượt eo biển Malacca cập bến tại căn cứ Mai Ruột (Thái Lan) viện trợ cho nhân dân VN tiến hành kháng chiến chống Pháp. Con tàu xuất bến vào tháng 3-1947, chuyến hải trình kéo dài hơn 15 ngày để vượt qua eo biển Malacca đầy sóng gió, đá ngầm, nhưng căng thẳng nhất vẫn là phải luồn lách để tránh tàu tuần tra của địch, nhiều lúc phải cho tàu cập vào đảo của thổ dân để xin nước uống và thức ăn cầm hơi….

Sau chuyến hàng thành công, tại căn cứ Bộ Tư lệnh Khu 9, Dương Quang Đông lại nhận vàng trở qua Thái Lan tiếp tục mua súng đạn và tổ chức bộ đội hải ngoại đưa về nước cùng quân và dân Nam Bộ kháng chiến chống Pháp

……

Trở  lại chuyện các đơn vị hải ngoại của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là một nét độc đáo của quân đội ta. Khi kháng chiến chống Pháp nổ ra, Việt kiều yêu nước ở Thái – Lào đã thành lập được 4 đơn vị vũ trang đưa về VN tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc : bộ đội Độc Lập 1, bộ đội Quang Trung, chi đội Trần Phú và tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2.

Sau khi các đơn vị bộ đội Độc lập 1, Quang Trung, Trần Phú lần lượt hành quân về Nam Bộ, Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyon cho phép mở một chiến khu huấn luyện tân binh nữa tại vùng Aranyaprathet. Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long 2được thành lập ngày 16/5/1947 tại Chiến khu 1 Prak Poong tỉnh Pranchin Bouri (Thái Lan), sau đó chuyển về chiến khu Mai Ruột, thuộc tỉnh Trat, (biên giới Thái Lan – Campuchia), cách đó 100km. Ban chỉ huy gồm: Dung Văn Phúc (tức Dương Quang Đông) – Tiểu đoàn trưởng, Trương Văn Kỉnh – Chính trị viên và Bông Văn Dĩa – Tiểu đoàn phó. Quân số tiểu đoàn có gần 300 cán bộ, chiến sĩ, đa số là con em Việt kiều và những chiến sĩ, du kích quân đến từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Nhật.  Ban đầu rất khó khăn, bởi một đơn vị chiến đấu mà nói rất nhiều thứ tiếng, tiếng Thái, Lào, Campuchia rồi cả tiếng Mã Lai, Nhật, Hoa… trong đó có ông Sơn Ngọc Minh sau này là lãnh tụ kháng chiến của nhân dân Campuchia. Nhưng tất cả đều có cùng một mục tiêu, một lý tưởng giải phóng dân tộc…

Đây là một đơn vị bộ đội được huấn luyện bài bản và được trang bị như quân chính quy nhờ Chính phủ Thái tặng một số vũ khí hiện đại như tiểu liên tomson, carbin và nón sắt Nhật. Chính vì vậy, mỗi khi Bộ đội Cửu Long 2 tác chiến, dân chúng cứ tưởng lính Nhật (!) Ngay cả thực dân Pháp cũng tin là Việt Nam có một trung đoàn “lính Nhật” đang đóng tại Thái Lan! Gặp địch là đánh, đã đánh là thắng, tiếng tăm Bộ đội Cửu Long 2 vang danh khắp nơi, là nỗi ám ảnh của quân Pháp mỗi khi nghe nhắc đến. Tiểu đoàn Cửu Long 2 là đơn vị hải ngoại sau cùng về VN chiến đấu trên chiến trường miền Tây Nam bộ.

Sáng 7/11/1947, đơn vị làm lễ xuất quân về nước. Sau 25 ngày đêm hành quân vượt khó khăn gian khổ, đơn vị về đến địa phận tỉnh Hà Tiên và đóng tại căn cứ Tà Teng. Ngày 8/12/1947, tiểu đoàn về Huyện Sử, xã Thới Bình tỉnh Bạc Liêu nay là xã Trí Phải, Thới Bình (Cà Mau). Tiểu đoàn đã tiến hành một số trận đánh như bao vây đột nhập đồn Tắc Vân (3/1948), bao vây tiến công đồn Evrack (4/1948), trận Tân Lộc – Tân Lợi thuộc huyện Thới Bình (5/1948), trận Ngã ba Thầy Cẩm (7/1948)…

Đầu năm 1949, đơn vị cùng với Bộ đội 251 tổ chức thành Trung đoàn 131 quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Tháng 10/1954, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, đơn vị chuyển quân về Cà Mau và tập kết ra Bắc, phân chia lực lượng cho các đơn vị khác, một số nhận công tác khác.

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, có hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh (Tư liệu truyền thống của tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II).

 

*******************

 

Về Đất Mũi Cà Mau

 

Ghi chép của Nhữ Đình Ngoạn – Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh Trường