HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NĂNG LƯỢNG XANH

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ CÔNG NGHỆ MÔI TRƯỜNG VÀ NĂNG LƯỢNG XANH

Ngày 01/06, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM trân trọng chào đón các chuyên gia và giáo sư của trường Đại học Yuntech – Đài Loan đến trao đổi, giao lưu học thuật và trình bày hội thảo về các chuyên đề liên quan đến công nghệ môi trường và nguồn năng lượng sạch.

Tại sự kiện, Quý Thầy Cô, học viên, sinh viên và các nhà nghiên cứu đã được tìm hiểu thêm nhiều thông tin hữu ích về các chương trình hợp tác vừa được ký kết giữa trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG – HCM và trường Đại học Yuntech – Đài Loan, các chương trình liên kết của trường Đại học Yuntech và các trường Đại học khác của Việt Nam và các chương trình liên kết của trường Đại học Yuntech và Đại học Mỹ.

GS.Su Chwen-Tzeng, Hiệu phó của trường Đại học Yuntech khẳng định: “Đại học Yuntech, Đài Loan và trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã có sự hợp tác chặc chẽ trong một thời gian dài và trên nhiều phương diện. Thông qua các chương trình ký kết vừa qua và buổi giao lưu, gặp gỡ hôm nay, tôi tin rằng, mối liên kết này sẽ ngày càng bền vững, lâu dài, mở ra càng nhiều cơ hội hợp tác cho đôi bên”.

Các chủ đề chính được trao đổi và thảo luận trong buổi hội thảo, bao gồm:

  • Chủ đề 1: Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn nông nghiệp thực phẩm ròng thông qua nhà máy lọc sinh học (dựa trên côn trùng).

Diễn giả: GS. Cheng Yu-Shen (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Future, trực thuộc Đại học Yuntech; kiêm Giáo sư giảng dạy Khoa Kỹ thuật Hóa chất và Vật liệu, Đại học Yuntech)

Nội dung: Sử dụng ấu trùng hoặc côn trùng như một nguồn nguyên liệu quan trọng để chế tạo các vật liệu thân thiện với môi trường như da nhân tạo, hoặc tạo nguồn cung cấp thực phẩm thay thế trong tương lai. Sử dụng rác thải hoặc phế phẩm nông nghiệp là nguồn thức ăn chính cho các loại ấu trùng hoặc côn trùng, góp phần giải quyết vấn đề chất thải môi trường, thúc đẩy giảm khí thải nhà kính và hạn chế sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

  • Chủ đề 2: Sản xuất năng lượng xanh từ khí thải của ống xả trong các nhà máy công nghiệp

Diễn giả: GS. Tseng Shi-Chang (Giáo sư giảng dạy Khoa Kỹ thuật Hóa chất và Vật liệu, Đại học Yuntech)

Nội dung: Tận dụng năng lượng và chuyển hóa năng lượng là việc rất quan trọng trong công nghiệp. Chính vì vậy, chế tạo các thiết bị tận dụng năng lượng từ dòng thải trên quy mô công nghiệp sẽ giúp tăng khả năng chuyển hóa và giảm tác động môi trường. Nghiên cứu tập trung vào việc thiết kế chế tạo thiết bị turbin khí quy mô nhỏ, vận hành dựa vào động lực từ khí thải của các thiết bị xả. Nhiều thiết kế đã được thực hiện và các mô phỏng khí động học được khảo sát để tìm ra hình dạng tối ưu của cánh turbin. Nghiên cứu này khi ứng dụng trên quy mô công nghiệp sẽ giúp tiết kiệm năng lượng bằng cách sản xuất năng lượng từ động lực của nguồn khí thải, góp phần tận dụng tối đa và tăng khả năng chuyển hóa năng lượng để đạt mục tiêu “green energy (năng lượng xanh)”.

  • Chủ đề 3: Đốt chất thải lộ thiên: hiện trạng, khí thải và ô nhiễm không khí

Diễn giả: PGS.TS. Tô Thị Hiền (Trưởng bộ môn Công nghệ Môi trường, Khoa Môi trường)

Nội dung: Hiện trạng ‘đốt lộ thiên’ thường xảy ra ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á, các chất ô nhiễm phát sinh trong quá trình đốt này ảnh hưởng nhiều đến môi trường không khí và sức khoẻ con người, đặc biệt là bụi mịn. Theo như cô Hiền chia sẻ, nhóm nghiên cứu của cô đã đi thực tế, và kết quả của lượng bụi mịn đo được là PM1 và PM2.5 từ hoạt động đốt rơm rạ sau vụ mùa và đốt rác sinh hoạt hộ gia đình trong khu cư, lượng bụi mịn này là rất cao, trong quá trình đốt, có đến khoảng 1000 µg/m3 cho bụi PM2.5 và 300 µg/m3 cho bụi PM1. Những nghiên cứu tiếp theo như thành phần hoá học của bụi và hệ số phát thải từ quá trình đốt lộ thiên là việc rất cần thiết cho công tác kiểm soát và quản lý ô nhiễm môi trường không khí.