Chiều 21/6, Khoa Điện tử – Viễn thông, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG-HCM đã tổ chức Hội thảo doanh nghiệp và cựu sinh viên năm 2025 với chủ đề “Phát triển chương trình đào tạo tại Khoa Điện tử – Viễn thông”. Sự kiện có sự tham dự của Ban Chủ nhiệm Khoa, đội ngũ giảng viên cùng nhiều thế hệ cựu sinh viên hiện đang công tác trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, quản lý và khởi nghiệp.

Hội thảo là dịp để Khoa tổng kết các hoạt động đào tạo, kết nối và hợp tác trong giai đoạn từ tháng 6/2024 đến tháng 6/2025, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi giữa nhà trường và cựu sinh viên. Chương trình ghi nhận nhiều phản hồi thực tế từ người học sau tốt nghiệp về hiệu quả đào tạo, khả năng ứng dụng và các đề xuất cải tiến nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ thị trường lao động. Hiện nay, Khoa đang duy trì mối quan hệ hợp tác thường xuyên với hơn 20 doanh nghiệp đối tác, triển khai nhiều hoạt động chia sẻ về nghề nghiệp, kỹ năng và công nghệ cho sinh viên.

Tại hội thảo, các cựu sinh viên đã chia sẻ trải nghiệm thực tế từ giảng đường đến môi trường làm việc. Nhiều ý kiến cho rằng, nền tảng chuyên môn vững chắc cùng các kỹ năng mềm được đào tạo tại Trường đã hỗ trợ tích cực trong quá trình thích nghi công việc, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đi làm. Bên cạnh đó, một số cựu sinh viên cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, trong đó rào cản ngôn ngữ (tiếng Anh) là một trong những trở ngại lớn khi làm việc trong môi trường quốc tế hoặc công ty đa quốc gia.
Các thế hệ cựu sinh viên chia sẻ về quá trình làm việc tại nhiều doanh nghiệp khác nhau, đồng thời đóng góp nhiều sáng kiến để phát triển Khoa
Trong khuôn khổ chương trình, Khoa cũng triển khai khảo sát chuyên sâu về năng lực người học và nhu cầu nhân lực sau đại học trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đây là bước chuẩn bị mang tính chiến lược nhằm đánh giá mức độ phù hợp của chương trình đào tạo hiện tại, đồng thời làm cơ sở khoa học cho việc mở ngành đào tạo mới ở trình độ cao hơn. Khảo sát tập trung vào các nội dung như: mức độ nhu cầu tuyển dụng nhân lực trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ ngành thiết kế vi mạch; các kỹ năng và kiến thức chuyên sâu mà doanh nghiệp kỳ vọng; những lĩnh vực đang thiếu hụt nguồn nhân lực như thiết kế front-end, FPGA, IC layout, kiểm thử thiết kế, đóng gói (packaging)… Ngoài ra, khảo sát còn ghi nhận đánh giá thực tế của doanh nghiệp đối với năng lực cựu học viên, từ đó tổng hợp các ưu điểm, hạn chế và đề xuất cải tiến chương trình đào tạo.

Theo PGS.TS Lê Đức Hùng, Trưởng Bộ môn Điện tử, Trưởng phòng thí nghiệm DESLAB, dữ liệu thu thập từ khảo sát sẽ là cơ sở quan trọng để phát triển chương trình đào tạo ngành thiết kế vi mạch theo hướng toàn diện và chuyên sâu, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong một lĩnh vực giàu tiềm năng phát triển trong bối cảnh cách mạng công nghệ hiện nay.

Thông qua hội thảo, Khoa Điện tử – Viễn thông tiếp tục khẳng định định hướng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn, lấy người học làm trung tâm và doanh nghiệp làm đối tác đồng hành trong phát triển chương trình. Đây không chỉ là cơ hội để lắng nghe những tiếng nói chân thực từ các thế hệ cựu sinh viên, mà còn là nền tảng để xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tế, bắt nhịp xu thế công nghệ, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời đại chuyển đổi số.
Một số hình ảnh khác tại Hội thảo