Từ ngày 27/11-30/11/2018, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM tổ chức Hội thảo quốc tế “Chuyển tải dữ liệu của bộ sưu tập ẩn hoa lên GBIF” và tập huấn về đài thực vật và địa y. Chuỗi hoạt động này nhận được sự hưởng ứng tích cực của các chuyên gia đến từ Bảo tàng thực vật thuộc Đại học Turku – Phần Lan, Đại học khoa học ứng dụng Hungary, Bảo tàng lịch sử tự nhiên của Anh Quốc.
Năm 2018, Việt Nam gia nhập GBIF, là thành viên trẻ nhất trong số 57 nước tham gia GBIF, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, giúp nước ta tiến hành truyền tải thông tin đa dạng sinh học lên mạng toàn cầu, thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản và hợp tác quốc tế dễ dàng và nhanh chóng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo quốc tế “Chuyển tải dữ liệu của bộ sưu tập ẩn hoa lên GBIF” và công tác tập huấn về đài thực vật và địa y là những hoạt động nổi bật nằm trong dự án số hóa và chuyển tải dữ liệu của bộ mẫu đài thực vật và địa y Việt Nam lên GBIF do Bộ Môi trường Nhật Bản tài trợ thông qua quỹ BIFA, dưới sự điều phối của Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Trong dự án này, các nhà nghiên cứu về đài thực vật, địa y của Việt Nam và thế giới cùng làm việc để xác nhận danh tính các mẫu vật, số hóa thông tin của mẫu vật rồi chuyển tải dữ liệu lên GBIF. Dự án đánh dấu sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các loài nhỏ bé như đài thực vật và địa y, đồng thời mở ra hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu cơ bản về đa dạng sinh học.
Tại hội thảo, các báo cáo đã đề cập tới các đối tượng nghiên cứu như rêu, địa tiễn, địa y trong phân loại, sinh thái, ứng dụng. Đồng thời các chuyên gia cũng trình bày về cách thức chuyển tải dữ liệu lên GBIF, cũng như vai trò quan trọng của bảo tàng thực vật trong nghiên cứu và bảo tồn.
Sau hội thảo, các chuyên gia sẽ hướng dẫn các sinh viên và các học viên định danh địa y và đài thực vật; đồng thời phân tích bộ mẫu vật rêu và địa y trong thảo tập viện.
GBIF (Global Biodiversity Information Facility) là tên viết tắt của Phương tiện thông tin đa dạng sinh học toàn cầu – một mạng lưới quốc tế và hạ tầng nghiên cứu được tài trợ bởi chính phủ các nước nhằm cung cấp cho mọi người một kho dữ liệu mở về mọi loại sự sống trên trái đất. GBIF cung cấp hàng trăm triệu mẫu vật đã được ghi nhận, giúp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và những độc giả quan tâm có thể tìm kiếm, học tập từ kho dữ liệu đa dạng sinh học này. Thảo tập viện Phạm Hoàng Hộ (mã số quốc tế PHH) thuộc Khoa Sinh học – Công nghệ Sinh học của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM là nơi lưu trữ các tiêu bản thực vật. Tại đây có bộ mẫu đài thực vật và địa y được các nhà nghiên cứu Việt Nam thu thập từ nhiều năm trước, có ý nghĩa về mặt sinh thái và ứng dụng, như chỉ thị ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cung cấp các hợp chất sinh học có giá trị cho con người.
Tin KHTN