Thực hiện Văn bản ký hợp tác toàn diện giữa ĐHQG Tp.HCM và UBND tỉnh An Giang từ năm 2014, năm nay là năm thứ 3, Trường ĐHKHTN tổ chức tập huấn bồi dưỡng năng lực các môn khoa học tự nhiên cho các giáo viên THCS và THPT từ ngày 15 đến 19/8/2017 theo đặt hàng của Sở GD& ĐT. Các học viên được chia thành 9 lớp đã được nghe và trao đổi các kiến thức chuyên môn sâu, kĩ năng và kinh nghiệm tổ chức thực hành- thí nghiệm và trao đổi về cuộc thi sáng tạo KHKT trong học sinh. Chương trình tập huấn của các lớp có các chuyên đề như sau:
- Toán THCS: Số học; Bất đẳng thức;Nâng cao phương pháp giảng dạy; Tích hợp trắc nghiệm vào chương trình giảng dạy lý thuyết; Kiểm tra và đánh giá khối 6,7; Kiểm tra đánh giá khối 8,9; Logic; Tích hợp trắc nghiệm vào chương trình giảng dạy lý thuyết; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Toán THPT: Giải toán trắc nghiệm với sự hỗ trợ của máy tính cầm tay và một số lưu ý;Tích hợp trắc nghiệm vào chương trình dạy lý thuyết; Phương pháp giảng dạy tích cực; Tích hợp trắc nghiệm dạy vào thực hành; Một số trao đổi về công tác biên soạn đề thi, tổ chức ôn thi môn Toán, kỳ thi THPT Quốc gia, theo hình thức trắc nghiệm khách quan; Giải tích; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Lý THCS: Ứng dụng Arduino trong cuộc sống; Phương pháp giảng dạy tích cực; Thiết kế bài thí nghiệm vật lý cho học sinh; Ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực y học và nông nghiệp và thực tế tại Việt Nam;Phương pháp NCKH và đề tài sáng tạo KHKT cho giáo viên và học sinh; Làm việc nhóm và seminar, thực hành; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Lý THPT: Phương pháp giảng dạy tích cực; Ứng dụng Arduino trong cuộc sống; Ứng dụng vật lý hạt nhân trong các lĩnh vực y học và nông nghiệp và thực tế tại Việt Nam; Làm việc nhóm và seminar, thực hành; Phương pháp nâng cao độ chính xác trong các bài thực hành; Phương pháp NCKH và đề tài sáng tạo KHKT cho giáo viên và học sinh; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Hóa THCS: Khảo sát thực tế Trung tâm ứng dụng KHCN và Trung tâm CNSH; Phương pháp giảng dạy tích cực; Làm việc nhóm; Cân bằng trong dung dịch điện ly; Thực hành tại phòng thí nghiệm; Tổng hợp hữu cơ; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Hóa THPT: Phương pháp giảng dạy tích cực; Khảo sát thực tế Trung tâm ứng dụng KHCN và Trung tâm CNSH; Ý tưởng và phương pháp NCKH cho giáo viên và học sinh và Một số vấn đề thực tế trong đề thi hóa học; Thực hành tại phòng thí nghiệm; Cân bằng trong dung dịch điện ly; Hóa học phức chất; Tổng hợp hữu cơ; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Sinh THPT: Khảo sát thực tế Trung tâm ứng dụng KHCN và Trung tâm CNSH; Tiến Hóa SH-CNSH; Phương pháp giảng dạy tích cực môn Sinh; Di truyền SH-CNSH; Thực hành một số bài TN; NCKH và cuộc thi KHKT trong trường học; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Tin học THCS: Các kĩ thuật lập trình Pascal; Phương pháp giảng dạy Pascal; Làm việc nhóm; Phương pháp giảng dạy tích cực môn Tin học; Thực hành các kỹ thuật lập trình Pascal tại phòng máy; Ý tưởng Bài thu hoạch và đánh giá.và phương pháp NCKH cho giáo viên và học sinh; Bảo mật Mạng Máy tính; Bài thu hoạch và đánh giá.
- Tin học THPT: Phát triển phần mềm di động và Nền tảng ứng dụng di động Android; thực hành 2 chuyên đề; Giao diện người dùng và Các thành phần của ứng dụng Android; Lưu trữ dữ liệu trên database và file; Thực hành tại phòng máy. Tạo cơ sở dữ liệu cho ứng dụng và truy xuất từ ứng dụng; Bài thu hoạch và đánh giá.
Với chương trình đổi mới và xuất phát từ đề xuất của các tổ chuyên môn của Sở GD&ĐT và đề cương của các thầy cô trong ban chuyên môn được Phòng Đào tạo trường mời, chương trình năm 2017 được đánh giá cao về chất lượng và tính ứng dụng cao thông qua trao đổi trực tiếp và hơn 950 phiếu góp ý của người học.
Hình 1. (a): PGS.TS. Vũ Hải Quân (Phó HT) tặng quà lưu niệm cho Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh và phó HT Trường ĐHAG là 2 đơn vị đồng hành chương trình tập huấn; (b): các giáo viên dạy môn vật lý thuộc các trường THPT trong giờ thực hành- trao đổi kinh nghiệm.
Đặc biệt năm nay, các học viên của lớp Sinh và Hóa đã có buổi đi thực tế tại Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ (do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang phụ trách). Các học viên đã có cơ hội quan sát thực tế quy trình nuôi cấy mô và tham quan nhà lưới nơi áp dụng mô hình chăm sóc, tưới tiêu theo công nghệ mới với nhiều loại cây như cà chua bi, dưa lưới,… để có thêm tư liệu cho bài giảng tại trường học và liên hệ thực tế.
Hình 2. Tham quan nhà lưới cũng như quy trình nuôi cấy mô tại Trại thực nghiệm khoa học và công nghệ (Trung tâm CNSH và Tung tâm Ứng dụng KHKT).
Bên cạnh đó, lớp tập huấn môn lý năm nay cũng có nhiều thay đổi về nội dung nhằm đáp ứng nhu cầu của giáo viên như là chuyên đề Ứng dụng Arduino vào trong cuộc sống. Chuyên đề Phương pháp nghiên cứu khoa học và đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật cho giáo viên và học sinh đã gây nhiều hứng thú cho các học viên. Chính nhờ chuyên đề này, các giáo viên đã mạnh dạn đưa ra các ý tưởng khoa học nhằm ứng dụng vào trong công tác giảng dạy của mình. Nhằm ghi nhận và khích lệ các thầy cô, Ban tổ chức cũng đã chọn ra 10 ý tưởng hay nhất và trao thưởng tại lễ bế giảng đợt tập huấn.
Hình 3. TS. Nguyễn Xuân Vinh và đại diện Phòng giáo dục phổ thông- GDTX (Sở GD&ĐT) trao thưởng cho các học viên có ý tưởng hay nhất trong chuyên đề về NCKH và sáng tạo KHKT.
Trao đổi với toàn thể học viên, thầy Trần Tuấn Khanh (Phó Giám đốc, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang) cũng đánh giá rất cao nội dung và chất lượng các chuyên đề chương trình tập huấn năm 2017 so với các năm trước. Thầy cũng mong muốn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên tiếp tục hợp tác với Sở GD&ĐT để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên nói riêng cũng như ngành giáo dục của tỉnh nói chung.
Tại lễ bế giảng, thay mặt cho Ban tổ chức, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu đã cảm ơn sự tham gia giảng dạy- trao đổi kinh nghiệm nhiệt tình của các thầy cô Trường ĐHKHTN và đánh giá cao tinh thần học hỏi, tiếp thu kiến thức-kinh nghiệm hiệu quả của hơn 950 thầy cô đến từ 170 trường học của Tỉnh An Giang. Thầy cũng trình bày tổng hợp 30 góp ý của học viên và các đề xuất về chương trình, công tác tổ chức cho tập huấn năm 2018.
Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích lời nhận xét của cô Huỳnh Kim Thanh (giáo viên lớp 11 trường THPT-THCS Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên- AG) về những nội dung mà cô tiếp thu qua đợt tập huấn này ” Chỉ qua bốn ngày tập huấn các thầy cô đã cung cấp, cập nhật cho chúng em khá nhiều kiến thức, kỹ năng hết sức cần thiết cho công việc giảng dạy. Các Chuyên đề có nội dung thiết thực, các báo cáo viên nhiệt tình, đúng giờ, làm việc khoa học, nên mặc dù có những ngày làm việc với thời lượng khá nhiều nhưng em thấy hoàn toàn xứng đáng, cảm nhận là qua đợt tập huấn mình học hỏi thêm được nhiều điều có thể áp dụng, không phải chỉ học đối phó, chiếu lệ, việc học trở nên đúng nghĩa của nó…”.
Kết quả này là sự hỗ trợ nhiệt tình của các thầy cô tham gia giảng dạy-trợ giảng- thực hành, BCN các khoa và Phòng Đào tạo trường đã góp phần vào sự thành công của chương trình và giới thiệu thế mạnh KHTN của trường. BTC chương trình tập huấn trân trọng cảm ơn quý thầy cô giảng dạy và đánh giá cao sự phối hợp tốt về công tác tổ chức từ Sở GD&ĐT tỉnh AG, Trường ĐHAG.
BTC Chương trình tập huấn GV năm 2017
(P.QHQT-QLDA)